Khai mạc khóa họp Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH-CN Việt Nam - Hoa Kỳ

Khai mạc khóa họp Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH-CN Việt Nam - Hoa Kỳ

(SGGPO).- Sáng 2-12, Bộ KH-CN phối hợp cùng ĐH Quốc gia TPHCM khai mạc khóa họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH-CN Việt Nam - Hoa Kỳ (JCM9). Hoạt động nhằm chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 15 năm ký kết Hiệp định KH-CN Việt Nam - Hoa Kỳ.

Quang cảnh khóa họp JCM9

Trong 3 ngày JCM9 diễn ra, chính phủ và chuyên gia hai nước tập trung thảo luận tại 5 nhóm ngành, lĩnh vực gồm: Khoa học y tế và sức khỏe; nông nghiệp; trao đổi giáo dục và nghiên cứu; khoa học bảo tồn; môi trường, khí tượng, thủy văn và cảnh báo bão.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, không gian vũ trụ và năng lượng hạt nhân vẫn luôn được quan tâm đặc biệt của chính phủ hai nước.

Ông Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, khẳng định hợp tác KH-CN giữa hai nước bắt đầu từ năm 2000, với việc hai nước ký Hiệp định nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam. Từ đó, đến nay đã gặt hái được nhiều kết quả. Liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, hai bên đang trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định Khung về Hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hai nước đã ký chính thức Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân vào tháng 5-2014...

Bộ Trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, kể từ năm 2005 tới nay, đã có hơn 30 nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được triển khai và đưa lại những kết quả hứa hẹn. Những dự án không chỉ tác động đến việc hình thành các cơ chế chính sách KH-CN mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất và đời sống; nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Việt Nam đã đề xuất 3 vấn đề hợp tác mới với Hoa Kỳ trong thời gian tới gồm: Hình thành cơ sở dữ liệu chung của hai nước về chuyên gia, công trình nghiên cứu, các trường đại học...; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình Silicon Valey, xây dựng cơ chế chính sách và tìm kiếm các quỹ đầu từ mạo hiểm hỗ trợ cho doanh nghiệp KH-CN; Kéo dài Quỹ Giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ, sau khi chương trình kết thúc vào năm 2018, theo phương thức đồng đầu tư.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục