Với mức tăng GDP ước đạt 10,9% trong 6 tháng đầu năm 2008, kinh tế Thủ đô vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù đạt thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ hai năm 2006, 2007 đều đạt 11,2%).
Đây là số liệu được nêu tại báo cáo của UBND TP Hà Nội trong Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khóa XIII, khai mạc ngày 13-6. Vẫn theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tổng vốn đầu tư xã hội huy động trên địa bàn ước đạt 28.300 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép và tăng vốn dự kiến là 160 dự án với tổng vốn đăng ký 1.200 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh, dự kiến là 18,26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng cuối năm, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hà Nội được xác định là "tổ chức và triển khai tốt Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Đặc biệt, Hà Nội đề ra kế hoạch thực hiện các biện pháp cụ thể, quyết liệt và kịp thời để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một công việc trọng tâm nữa của TP là chuẩn bị xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội; dự toán ngân sách 2009 và giai đoạn 2009-2010 của Thủ đô theo địa giới hành chính mới. Đối với các dự án thuộc Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP phấn đấu trong năm 2008 hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 12 dự án, khởi công và triển khai xây dựng 29 công trình và các hạng mục công trình; hoàn thành 8 công trình và hạng mục công trình.
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội xã hội Thủ đô thời gian qua, đại biểu HĐND TP yêu cầu UBND TP đưa ra những giải pháp cụ thể, có độ linh hoạt cao, sẵn sàng thích ứng với tình hình mới. Các ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Thị Như Mai… đề nghị lập quỹ bình ổn giá của TP, củng cố hệ thống phân phối hàng hóa của Nhà nước đủ mạnh để can thiệp vào thị trường, không để xảy ra "sốt giá".
Hôm nay, 14-6, HĐND TP Hà Nội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn UBND TP.
A.PHƯƠNG