Khai thác cát trái phép - Gặm sạt núi, lở đồi

Tại huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), những người khai thác cát trái phép đang dùng xe cơ giới gặm nát những đồi núi, đất rừng và cả đất nông nghiệp.
Khai thác cát trái phép - Gặm sạt núi, lở đồi

Tại huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), những người khai thác cát trái phép đang dùng xe cơ giới gặm nát những đồi núi, đất rừng và cả đất nông nghiệp.

  • “Chơi đẹp” nên trụ được?

Các xã Tóc Tiên, Tân Hòa, Phước Hòa, Tân Phước, Mỹ Xuân (huyện Tân Thành) là vùng đất có trữ lượng cát xen lẫn trong đất cao. Từ năm 2005, nạn khai thác cát trái phép ở huyện Tân Thành bắt đầu diễn ra để bán cát cung cấp nhu cầu san lấp nền. Về sau càng hoành hành dữ dội, do có nhiều đầu nậu đổ về tổ chức khai thác để bán cho thương lái chuyển đi các tỉnh ĐBSCL và xuất khẩu.

Trong những ngày cận Tết Nhâm Thìn, hoạt động khai thác cát trái phép càng diễn ra hối hả. Mới chạng vạng tối, khu vực núi Nhọn (ấp 4, xã Tóc Tiên) náo động bởi tiếng nổ của các loại máy đào, máy bơm và máy hút cát. Trên những con đường mòn từ đường cao tốc Tóc Tiên - Hội Bài dẫn vào núi Nhọn có xe tải, xe ben tấp nập ra vào chở cát.

Sáng 6-1, khi xưng là một thương lái đang cần mua cát cung cấp cho các nhà thầu xây dựng chung cư ở TPHCM, chúng tôi được H. - một “trùm cát” ở Tóc Tiên dẫn đi thị sát và giới thiệu về hoạt động khai thác cát ở núi Nhọn. Theo H., cát ở đây không “ngon” bằng cát hút dưới sông do có lẫn đất, tuy vậy nếu dùng để xây thì vẫn tốt như thường, vì sau khi xe cạp đào lên, đất sẽ được cho vào hồ để bơm nước rửa 3 - 4 lần mới lấy cát. Cái lợi nữa là giá cát ở đây rẻ hơn cát sông rất nhiều. H. cho biết, thương lái đến bất kỳ vựa nào ở huyện Tân Thành để mua cát cũng phải đặt trước một tuần đến 10 ngày, vì để có cát, các đầu nậu phải đưa máy vào sâu trong núi, rẫy để đào đất, bơm nước rửa đất lấy cát. Các khâu này tốn nhiều thời gian do chỉ làm được vào ban đêm.

Chúng tôi hỏi: “Chủ vựa không giấy phép, cát không rõ nguồn gốc, vậy khi mua cát làm sao dám vận chuyển?”. H. lập tức trấn an: “Yên tâm! Tụi này đã lo từ A đến Z, từ khâu đào đất, bơm cát đến vận chuyển đều an toàn. Có “chơi đẹp” với địa phương tụi tui mới trụ được ở đây chục năm nay!”. H. nói thêm, nếu mua cát giao tại đây, giá chỉ 180.000 - 200.000 đồng/m³, còn chuyển về đến cảng Sài Gòn giá 350.000 đồng/m³, đi theo đường sông qua cảng Gò Dầu.

Cát khai thác trái phép ở núi Nhọn, ấp 4, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành đang chờ bán cho thương lái.

Cát khai thác trái phép ở núi Nhọn, ấp 4, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành đang chờ bán cho thương lái.

Quan sát trên địa bàn các xã Tóc Tiên, Tân Hòa, Phước Hòa, chúng tôi thấy có hàng chục điểm khai thác cát lậu. Không chỉ có đất núi, ngay cả đất rẫy để trồng mì cũng bị đào sâu đến chục mét để tận thu cát. Do vậy khó tránh khỏi nguy cơ sạt lở núi vào mùa mưa. Nhiều con suối đã bị ngăn lấy nước phục vụ việc bơm cát làm bít dòng chảy, khiến môi trường sinh thái mất cân bằng, nông dân không có nước tưới đất canh tác nên ngày càng thất thu. Ông Trương Hà Thành ở xã Phước Hòa than: “Bao đời nay, dân vùng này sống nhờ cây mì do thích hợp với đất pha cát. Thế nhưng diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp do những kẻ khai thác cát lậu xâm hại. Dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương vẫn làm lơ”.

  • Có kiểm tra, xử phạt nhưng...

Thực tế nạn khai thác cát trái phép đang lộng hành như thế nhưng tiếp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Tóc Tiên cho rằng trên địa bàn xã hiện nay không còn điểm khai thác cát lậu nào. Khi chúng tôi chỉ ra những vựa cát không phép, ông phân trần: “Nếu có thì chỉ là những trường hợp khai thác lén lút vào ban đêm. Qua phản ánh của nhà báo, xã ghi nhận và sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hiệp, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Thành, thừa nhận trên địa bàn huyện hiện nay còn nhiều điểm khai thác cát trái phép. Huyện và tỉnh vẫn đang tiến hành các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.

Theo ông Hiệp, khu vực các đối tượng khai thác cát lậu đang hoạt động tập trung chủ yếu thuộc khu đất 1.300ha do Trường Sĩ quan lục quân 2 quản lý và một phần nhỏ thuộc quyền quản lý của địa phương. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, theo dõi bắt và xử phạt gần 100 trường hợp khai thác cát không phép, sai phép và vận chuyển cát không có nguồn gốc; tịch thu hàng trăm máy nổ, xe công nông, xe máy… Tổng số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng.

Xử phạt như thế nhưng tại sao nạn khai thác cát lậu trên địa bàn huyện Tân Thành vẫn tiếp diễn? Trách nhiệm của địa phương trong việc này rất lớn. Trước đây chính quyền các xã rất chú trọng kiểm tra, xử lý việc quản lý khai thác cát trên địa bàn, nhưng từ năm 2009 trở lại đây địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo. Hơn nữa, các biện pháp chế tài cũng chưa nghiêm, dẫn đến nhiều trường hợp tái phạm.

Để ngăn chặn hiệu quả hơn, mới đây huyện có tham mưu với tỉnh về việc không tiếp tục cấp phép mới cho việc khai thác cát trên địa bàn, đồng thời dần thu hồi các giấy phép cũ. Mặt khác huyện cũng đã làm việc với Trường Sĩ quan lục quân 2, cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy trong tỉnh và ngoài tỉnh để phối hợp thắt chặt kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc.

Tuy vậy, người dân địa phương vẫn đang bức xúc: đến bao giờ nạn khai thác cát trái phép ở đây mới chấm dứt?

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục