Góp ý sửa đổi hiến pháp

Khẳng định vai trò kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể

Sau khi có “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (1991), Quốc hội khóa X đã ra nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 1980 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.

Sau khi có “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (1991), Quốc hội khóa X đã ra nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 1980 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.

Điều 19 Hiến pháp năm 1992 được bổ sung một nội dung rất quan trọng: “Kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Và sau khi có “Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011”, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm kịp thời thể chế hóa Cương lĩnh năm 2011.

Đọc dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa được công bố để lấy ý kiến nhân dân, trong Chương quy định về chế độ kinh tế có nhiều điểm tiến bộ như: Dự thảo không quy định cụ thể 6 thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992, vì Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, có giá trị lâu dài, còn số lượng các thành phần kinh tế có thể thay đổi theo từng thời gian.

Dự thảo đã bổ sung một điều mới (Điều 59) quy định về ngân sách Nhà nước và nhiều điểm mới khác trong các điều về chế độ kinh tế. Về kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp (từ điều 54-61) dự thảo đã tách ra thành từng điểm nhỏ giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện...
Bên cạnh ưu điểm, Chương quy định về chế độ kinh tế đã bộc lộ một thiếu sót rất nghiêm trọng, một bước thụt lùi lớn so với Hiến pháp năm 1992.

Dự thảo lần này đã cắt bỏ hẳn nội dung tại Điều 19 Hiến pháp năm 1992: “Kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Và dự thảo cũng không đả động gì tới nội dung quan trọng của Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” (văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG-ST, HN, 2011, trang 73-74).

Chế độ kinh tế và chế độ chính trị có quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó chế độ chính trị quy định chế độ kinh tế và ngược lại, một chế độ kinh tế phù hợp và tiến bộ sẽ là nền tảng vững chắc để củng cố và phát triển chế độ chính trị. Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp tất yếu còn tồn tại các chế độ chính trị và chế độ kinh tế khác nhau. Chế độ chính trị TBCN do giai cấp tư sản thống trị tất yếu hình thành chế độ kinh tế lấy kinh tế tư bản tư nhân làm chủ đạo. Chế độ chính trị XHCN do giai cấp công nhân lãnh đạo, thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản, tất yếu hình thành chế độ kinh tế lấy sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể làm nền tảng. Nhưng vì sao khi xây dựng bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam lại cắt bỏ vai trò chủ đạo và nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Vậy thử hỏi nó có còn là một bản Hiến pháp XHCN hay không?

Hơn nữa, việc sửa đổi Hiến pháp là nhằm để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, sao dự thảo lại gạt bỏ những nội dung cơ bản của cả 2 Cương lĩnh năm 1991 và năm 2011?.

Từ những phân tích như trên, xin có 2 kiến nghị cụ thể:

1- Bổ sung vào điểm 02, Điều 54 một nội dung của Cương lĩnh năm 2011: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

2- Bổ sung vào điểm 03, Điều 58 từ “trưng mua” sau cụm từ “Nhà nước thu hồi”, để phân biệt nhà nước thu hồi đất vì lý do quốc phòng - an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng với nhà nước trưng mua đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Thực tế những năm qua, nhà nước thu hồi đất một cách tràn lan đã gây quá nhiều bức xúc đối với người dân. 

TÔ VĂN GIAI
(Nguyên Phó Giám đốc Trường Tuyên huấn Trung ương II)

Góp ý sửa đổi hiến pháp:

>> Cần bảo vệ quyền lợi kiều bào

>> Những thay đổi về chính quyền địa phương

>> Hiến định rõ quyền hành pháp của Chính phủ

>> Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển 

Tin cùng chuyên mục