Khi bến không còn phà!

Về đâu nghề bán dạo?
Khi bến không còn phà!

Xen lẫn trong niềm vui thông cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cũng có tâm trạng bùi ngùi, luyến tiếc của những người đã gắn đời mình với bến phà. Họ là thủy thủ, nhân viên phà hay người bán dạo… đều đang toan tính cho bước chuyển mới của đời mình.

Về đâu nghề bán dạo?

“Nem đây... Bánh tráng sữa, bắp nấu, nước suối lạnh đây…”, đó là tiếng rao quen thuộc mà bất cứ ai từng đi qua phà Cần Thơ cũng một lần nghe thấy. Dẫu biết, bán hàng rong vốn long đong lận đận nhưng bao năm qua, nhiều thế hệ ở xóm phà bé nhỏ này vẫn sống dựa vào nó. Cầu Cần Thơ thông xe, phà Hậu Giang hoàn thành sứ mệnh lịch sử, những chiếc phà sẽ được điều đi bến khác. Trước giờ chia biệt, thật bùi ngùi...

Mẹ con chị Lê Ánh Nguyệt bán hàng rong trong ngày cuối phà hoạt động.
Mẹ con chị Lê Ánh Nguyệt bán hàng rong trong ngày cuối phà hoạt động.

Sáng tờ mờ, từ căn nhà lá lụp xụp như cái chòi tạm, nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc ấp Thành Nghĩa, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, hai mẹ con chị Nguyệt lịch kịch xuống phà. Chị Nguyệt quàng lên vai vài chục nem chua, phía trước giỏ xe là vài chục bịch bánh tráng sữa. Con chị - thằng Minh, 8 tuổi, vẫn ngáp ngắn, ngáp dài, một tay dụi mắt, tay còn lại gồng lên giữ cái thùng trữ nước đá ướp lạnh các chai nước suối, khăn lạnh.

Đến phà, chị Nguyệt gửi chiếc xe đạp cà tàng rồi hai mẹ con lẽo đẽo hòa vào dòng người hối hả bước xuống chiếc phà Việt Đan 200, bắt đầu một ngày mưu sinh cực nhọc. Mới tảng sáng, trên phà đã “họp mặt” những người bán hàng rong, từ bắp nấu đến vé số, nem chua, chewinggum, mía… Nhưng hôm nay (23-4) cả nhóm hàng rong, ai cũng có vẻ buồn vì đây là ngày cuối họ bán hàng rong trên phà.

Tiếng còi phà vừa rú lên, chiếc phà rời bến Bình Minh hướng sang bắc Cần Thơ, hai mẹ con chị Nguyệt cùng những người bán rong khác túa ra các hướng mạnh ai nấy bán. “Ai nem, bánh tráng sữa đây!”, “Bắp nấu, vé số đây”, “Suối lạnh, khăn lạnh đây cô bác ơi!”.

Sau khoảng 15 phút vượt sông Hậu, chuyến phà cập bến Cần Thơ. Những người bán rong tụ tập lại một góc phà, giữ trật tự để không bị đuổi. Khác với cảnh bàn tán xôn xao những ngày thường, bữa nay ai cũng lặng lẽ, chỉ có lũ trẻ bán vé số vẫn vô tư vì ngày mai chúng không còn phải đi bán trên phà nữa.

Cùng cảnh ngộ với chị bán hàng rong là mấy bác xe ôm. Ông Dương Hoài Anh, năm nay 70 tuổi, băn khoăn: “Tôi chạy xe ôm tại Cần Thơ này đã hơn 15 năm. Mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng nuôi vợ và 2 con nhỏ. Phà ngưng hoạt động không biết tìm khách đâu mà chạy”. Hiện tại bờ Cần Thơ, Nghiệp đoàn xe ôm 1 và 2 có khoảng 180 người. Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn 1 xe mô tô khách,  nói: “Đa số anh em tại đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Họ sống nhờ vào số khách từ phà Hậu Giang. Phà hết hoạt động, chưa biết họ chuyển nghề ra sao hay tản đến bến nào”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Triều, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Trước mắt, đối với Nghiệp đoàn 1 và 2 tại bờ Cần Thơ, sau khi phà ngưng hoạt động, phường sẽ bố trí cho những anh em thuộc phường Cái Khế phân bố về Nghiệp đoàn xe ôm 3 (tại Trung tâm Thương mại Cái Khế) và Nghiệp đoàn 4 (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) để tiếp tục hành nghề”.

Bến Cái Vồn (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có 205 hộ dân ở đang mưu sinh quanh khu vực bến phà. Đa số là các hộ nghèo, buôn bán nhỏ, bán hàng rong để sinh sống hàng ngày. Khi bến phà ngừng hoạt động, nhiều người đến giờ vẫn lúng túng chưa biết mình chuyển đổi nghề gì để lo cho cuộc sống gia đình.

Giải thể phà Hàm Luông

Phó Giám đốc Xí nghiệp Phà Bến Tre kiêm Bến trưởng Bến phà Hàm Luông Huỳnh Thanh Bình nhìn về phía cầu Hàm Luông trong ngày khánh thành, nói với tôi: “Bến phà Hàm Luông có tất cả 114 nhân viên, trong đó có hơn 20 nhân viên từ Rạch Miễu chuyển sang sau khi bến phà này giải thể. Bây giờ lại tiếp tục điều chuyển đến làm việc tại các bến phà khác trong tỉnh. Những anh chị em lớn tuổi, tự nguyện xin nghỉ việc sẽ giải quyết theo chế độ doanh nghiệp giải thể”.

Hàng năm, để phục vụ hành khách, các thủy thủ, nhân viên bến phà Hàm Luông đều ăn tết muộn, khoảng ngoài rằm tháng Giêng. Song năm nay, giọng nói của các nhân viên ấy thoáng nghe buồn buồn vì Tết Canh Dần là cái tết cuối cùng của họ với phà Hàm Luông. Từ trên ca bin phà Việt Đan, tôi thấy cầu Hàm Luông đã soi bóng trên dòng sông và thời gian có vẻ đang trôi rất nhanh về phía của bao số phận đã gắn liền đời mình với những con phà nhẫn nại cùng năm tháng. Với họ và biết bao người nữa, phà Hàm Luông là hình ảnh khó phai mờ dù rồi đây nơi hai đầu bến sẽ trở thành hai xóm nhỏ ở ven sông.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý Mỹ Thuận xem xét, hỗ trợ vốn cho khoảng 200 hộ dân đang buôn bán ở cụm phà Hậu Giang (bờ Bình Minh, Vĩnh Long) có điều kiện chuyển đổi nghề khi phà ngưng hoạt động.  Lãnh đạo thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hộ có nhu cầu để họ tự tìm nơi sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ. Đối với những người có nhu cầu học nghề, địa phương sẽ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện để mở các lớp dạy nghề phù hợp và giới thiệu việc làm cho họ ở các cơ sở, doanh nghiệp hoặc các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh.

TUYỂN – CHINH – HÀ

Tin cùng chuyên mục