Dù kết quả xếp loại hạnh kiểm của học sinh ở TPHCM đều đạt loại khá, giỏi từ 90% trở lên và chỉ một bộ phận nhỏ có hành vi lệch lạc về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức trách nhiệm công dân, nhưng thực trạng này vẫn đáng báo động.
Nhiều lo ngại
Đây là vấn đề được mổ xẻ, phân tích kỹ tại hội thảo “Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh TPHCM” do Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức vào ngày 18-12. Báo động về thực trạng đáng lo ngại và cần tìm lời giải, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, cho rằng gần đây, một bộ phận thanh thiếu niên, kể cả học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đã có hành vi lệch lạc về đạo đức, lối sống, thậm chí phạm pháp. Cũng theo ông, tuy tiếp thu nhanh trào lưu thế giới, nhưng giới trẻ lại mơ hồ về đạo lý dân tộc, kể cả những đạo lý cơ bản nhất như “yêu nước, xả thân vì nước”, “uống nước nhớ nguồn”… Một số khác sống đua đòi, thích hưởng thụ, thiếu lòng nhân ái, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội, có biểu hiện lệch lạc về ý thức công dân, thiếu hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của mình. Đây là hệ quả của việc giáo dục đạo lý dân tộc, ý thức công dân còn nhiều bất cập, rập khuôn nên chưa phát huy hiệu quả, thiếu thực hành, trải nghiệm thực tế.
Học sinh Trường THPT Nhân Việt diễn kịch về chủ đề biển đảo Ảnh: KHÁNH BÌNH
Dẫn chứng kết quả khảo sát đối với 1.800 học sinh ở 20 trường phổ thông (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố, PGS-TS Ngô Minh Oanh cho biết: “Mức độ hiểu biết, nhận thức về truyền thống, đạo lý dân tộc của học sinh ở mức không cao, trong đó hiểu biết rõ về truyền thống yêu nước là 55,4%; còn lại 36% chỉ biết bình thường; 8,5% hoàn toàn không biết. Ở nội dung ghi nhớ công ơn tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, 82,7%; trọng lẽ phải, dám bảo vệ chân lý chỉ đạt 44,3%; truyền thống cần cù lao động là 57%...”. Về phía học sinh, các em tự đánh giá ở mức độ đồng ý và rất đồng ý về những hạn chế trong nhận thức, hành động, lối sống. Trong đó 42,9% thiếu ý thức trách nhiệm công dân; 37,6% sống thiếu nhân ái, vô cảm; 42,5% thiếu tôn trọng, nói xấu thầy cô; 41% - 42% hay nói dối, thiếu lý tưởng hoài bão lập nghiệp… Đáng lưu ý là có trên 57% thừa nhận còn thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống, đạo lý dân tộc và thiếu hiểu biết về hiến pháp, pháp luật. Nhìn vào thực trạng khảo sát này chúng ta không thể không lo lắng và một bộ phận học sinh có nhiều hạn chế sẽ trở thành công dân tương lai, công dân toàn cầu như thế nào?
Dạy đạo đức bằng cảm xúc và trải nghiệm
Phân tích thực trạng và dẫn chứng những hạn chế, bất cập trong chương trình giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân từ cấp tiểu học đến THPT, tiến sĩ Huỳnh Công Minh chỉ ra rằng dù chúng ta dạy rất nhiều phẩm chất, kiến thức, nhưng mục tiêu đặt ra chung chung, nội dung dàn trải, thiếu trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, ông cũng đặt ngược vấn đề: “Nhiều trường học chỉ chú trọng đến tỷ lệ học sinh học khá giỏi, thi đậu đại học là bao nhiêu, chứ ít chú trọng bàn về cách dạy đạo đức, hình thành phẩm chất tốt, gieo mầm nhân ái, tính trung thực… cho học sinh sao cho hiệu quả? Đổi mới cách dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân phải chú trọng dạy học sinh làm người và cội rễ của “cây đạo đức” chính là tình thương và trách nhiệm…”. Tương tự, thạc sĩ Lê Thanh Hà (Đại học Sư phạm TPHCM) cũng chỉ ra những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân nặng về lý luận, hàn lâm và nội dung quan trọng là đạo lý dân tộc, ý thức công dân được thể hiện quá ít.
Không chỉ đề cập đến môn Giáo dục công dân, nhiều ý kiến khác cũng nhấn mạnh vai trò, ưu thế của môn Lịch sử, Văn học trong việc truyền cảm xúc, gieo mầm các giá trị nhân văn, góp phần giáo dục đạo lý, truyền thống yêu nước, ý thức công dân cho học sinh. Tuy nhiên, do chương trình thiết kế “lệch pha”, thiếu gắn kết về chuỗi kiến thức, chủ đề khiến cho việc tích hợp các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn để thực hiện mục tiêu giáo dục chưa hiệu quả. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Phú (Viện Nghiên cứu giáo dục), soi chiếu nhiều môn học như Sử, Văn, Giáo dục công dân cho thấy nếu kết hợp mỗi môn một phần kiến thức trong cùng một chủ đề dạy học thì học sinh không chỉ giảm tải mà còn học được rất nhiều bài học bổ ích, có giá trị.
Dẫn chứng từ thực tế - nội dung, chương trình môn Văn ở phổ thông, tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu (Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM) nêu vấn đề: “Phải chăng môn Ngữ văn chưa làm tròn nhiệm vụ giáo dưỡng của mình hay giáo viên chưa biết cách dạy để nâng cao đạo lý, ý thức công dân cho học sinh?”. Do chương trình, sách giáo khoa môn Văn nặng nề, xa rời thực tế cộng thêm cách dạy chưa hấp dẫn đã khiến học sinh chán ngán, cảm thấy vô bổ. Như thế, Văn chưa thể mang ý nghĩa dạy làm người, có ý thức, trách nhiệm công dân. Nguyên nhân là do cách hành xử của các cấp quản lý lẫn nhận thức của xã hội, kèm theo mục tiêu của môn học cũng chưa xác định rõ nội dung giáo dục về đạo lý dân tộc, ý thức công dân.
Với kinh nghiệm trên 30 năm gắn bó với nghề, với ngôi trường có truyền thống yêu nước, cô Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lòng nhân ái và truyền thống yêu nước cho học sinh của ngôi trường áo tím này. Từ tình yêu dành cho mái trường, trân trọng những thành quả mà mình đang thụ hưởng, học sinh sẽ ý thức được trách nhiệm công dân, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Điều này minh chứng rằng, muốn đạt được mục tiêu giáo dục nêu trên thì phải lồng ghép nhiều chương trình, môn học, mở rộng hoạt động ngoại khóa… và quan trọng là nó phải truyền cảm xúc thực thụ, tạo ra những giá trị cốt lõi cho học sinh.
KHÁNH BÌNH