Luật Bảo vệ môi trường đã quy định: UBND cấp phường, xã có trách nhiệm kiểm tra việc bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân. Thế nhưng thực tế tại TPHCM, chính quyền các địa phương rất đau đầu trong việc giải quyết khiếu nại của cư dân về tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư.
Cả khu dân cư phải khổ
Từ khi căn nhà số 31 đường số 17 (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) thành nhà xưởng Công ty Sản xuất sợi Định Thành, cuộc sống của cư dân tổ 63 không lúc nào bình yên. Các cháu ở trường mầm non sát bên cạnh công ty cũng phải chịu đựng ô nhiễm trầm trọng. Cùng với việc bị “tra tấn” ngày đêm vì tiếng ồn máy móc, cư dân còn phải hít bụi là những hạt bông sợi nhỏ li ti bay lan trong không khí. Do vậy, nhiều người, nhất là trẻ em, bị bệnh hô hấp, viêm mũi dị ứng... Các cư dân ở đây cho biết đã liên tục gửi đơn khiếu nại với chính quyền phường và quận, nhưng khi có đoàn xuống kiểm tra đo bụi thì công ty này lập tức giảm bớt máy móc hoạt động, do vậy không có lần nào ô nhiễm vượt ngưỡng.
Công ty May Phương Đông thải khói đen ngòm trong khu dân cư. Ảnh: THANH HẢI
Cư dân khu phố 3 (phường 9, quận 11) đã phải gửi đơn kêu cứu vì hoạt động của cơ sở sản xuất gia công bao bì Khang Thành (số 160/4 Đội Cung) gây tiếng ồn quá lớn và mùi hóa chất nồng nặc, đến mức vào giờ cơ sở Khang Thành làm việc thì nhiều người phải đi “lánh nạn”. Còn cư dân phường Tân Thới Nhất (quận 12) thì khốn khổ vì phải hít khói đen từ lò đốt của Công ty May Phương Đông nằm trong khu dân cư, đến nỗi ai cũng phải đeo khẩu trang trong nhà hoặc đi ra khỏi nhà để tránh mỗi khi lò đốt hoạt động.
Hầu như ngày nào Báo SGGP cũng tiếp nhận đơn và nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng phản ánh về tình cảnh cư dân nhiều khu dân cư ở các quận nội thành phải khốn khổ sống chung với ô nhiễm do các cơ sở sản xuất gây ra, và than phiền rằng đơn khiếu nại không được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.
Bị phạt nhiều lần vẫn tái phạm
Trả lời về việc chưa xử lý nạn ô nhiễm do Công ty Sản xuất sợi Định Thành gây ra, UBND quận Thủ Đức cho rằng: “UBND TPHCM không có quy hoạch cấm ngành nghề sản xuất sợi hoạt động trong khu dân cư. Công ty đã thực hiện hồ sơ pháp lý môi trường theo quy định. UBND quận đã tổ chức đoàn kiểm tra, đo đạc các thông số ô nhiễm môi trường, tiến hành lấy 3 mẫu xác định nồng độ tổng bụi lơ lửng trong không khí xung quanh khu vực công ty và đã gửi mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả nằm trong tiêu chuẩn cho phép, nên quận không có cơ sở xử lý vi phạm hành chính về môi trường”.
Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 12 cũng cho biết quận đã kiểm tra Công ty May Phương Đông, phạt công ty này 60 triệu đồng về hành vi vi phạm xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Thực tế phạt như vậy cũng không hiệu quả, theo ông Lưu Minh Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất (quận 12): “Cho đến nay, đã nhiều lần bị xử phạt, nhưng Công ty May Phương Đông vẫn tiếp tục xả thải khói đen gây ô nhiễm”.
Trả lời về việc giải quyết khiếu nại của dân về việc cơ sở Khang Thành sản xuất gây ô nhiễm, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường 9 quận 11, cho biết: “Qua khiếu nại của dân, chúng tôi đã kiến nghị UBND quận 11 tổ chức kiểm tra, đo đạc tiếng ồn, bụi, khói… Kết quả kiểm tra cho thấy các tiêu chuẩn đều đạt, chỉ có tiếng ồn đo được tại cổng đã vượt quá mức cho phép. Từ đó, chúng tôi đề xuất phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng. Do cơ sở có giấy phép hoạt động, việc đình chỉ sản xuất hay di dời là ngoài tầm quản lý của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên cơ sở này theo các bức xúc mà người dân nêu”.
Thực tế khi giải quyết khiếu nại của người dân về sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư, việc chính quyền địa phương phạt hành chính không có ý nghĩa gì, vì mức phạt chẳng bao nhiêu so với chi phí rất lớn để khắc phục ô nhiễm mà lẽ ra cơ sở sản xuất phải đầu tư. Để giải quyết có hiệu quả, chính quyền các địa phương cần phải thực thi đúng Luật Bảo vệ môi trường về việc thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại về môi trường. Theo đó: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền nhận được đơn khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết, thanh tra bảo vệ môi trường các cấp, UBND cấp huyện có trách nhiệm giúp đỡ, phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường”
ĐOÀN HIỆP - THANH HẢI