Theo đó, trước đây Thông tư 12 quy định một trong những hành vi HS không được làm là “sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là: “Sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, HS được sử dụng ĐTDĐ nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
Trước tiên, hãy nhìn vào mặt tích cực của ĐTDĐ trong nhà trường. Giáo viên và các bậc cha mẹ nên xem đây là công cụ hỗ trợ cho việc học tập thiết thực, việc sử dụng ĐTDĐ như “cuốn sách điện tử”. Ví dụ, khi nói về hoạt động xả khí thải từ các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, HS có thể truy cập internet để có thông tin mới nhất, hình ảnh trực quan nhất. Bên cạnh đó, loại công cụ này còn giúp việc thông báo tình hình sức khỏe hoặc những vấn đề an ninh cho người thân, nhân viên an ninh trường học.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, những chiếc ĐTDĐ thông minh đang phần nào “hủy hoại” con người. Thông tư 32 được ban hành ngay trước thềm năm học mới 2020 - 2021, khiến bao phụ huynh một phen “rúng động”. Thử xem, mỗi ngày các em HS có 8 giờ học trên lớp, vậy nhưng thay vì tiếp thu bài học của các thầy, cô giáo, các em lại dùng ĐTDĐ để giải trí. Việc không tập trung vào bài học dẫn đến các em sẽ bị hổng kiến thức.
Sẽ xuất hiện thường xuyên tình huống HS vô tư dùng ĐTDĐ để xem phim, xem ca múa, lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi. Từ đây, việc phải dừng lại nhắc nhở HS phải tắt điện thoại cũng khiến các thầy cô bị cắt mạch cảm xúc, các bạn nhỏ phân tán sự chú ý. Chưa kể, HS có thể lơ đãng vì mải dùng ĐTDĐ hay vụng trộm nhắn tin, xem thông tin “đen” mà giáo viên đứng lớp không kiểm soát được. Một điều cần phải được lưu ý, nếu HS được dùng ĐTDĐ thoải mái trên lớp có thể dẫn đến làm nghèo tư duy của người học, khi không đủ kỹ năng thông tin, mất khả năng đào sâu suy nghĩ, vì cứ nghĩ có ĐTDĐ là giải quyết được tất.
Ở tình huống nếu phương án trên được thông qua, ĐTDĐ được sử dụng thoải mái trên lớp học, vậy thì bản thân các em HS cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính. Đối với các phụ huynh, cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng ĐTDĐ để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa. Ở góc độ lãnh đạo nhà trường, thiết nghĩ các hiệu trưởng cũng nên có những tính toán riêng cho việc HS dùng ĐTDĐ trong trường. Bởi có những trường tọa lạc tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, thì không thể trang bị cho con em mình điện thoại thông minh.
Ở một phương diện nào đó, ĐTDĐ là bộ “bách khoa toàn thư”, có thể hỗ trợ cho HS các cấp tìm hiểu những kiến thức, phục vụ cho việc học tập. Thế nhưng làm cách nào để sử dụng ĐTDĐ không sai mục đích và ảnh hưởng đến thế hệ trẻ là vô cùng nan giải. Giáo dục là một lĩnh vực rất lớn, tác động đến mọi mặt của xã hội, vậy nên cần cân nhắc cẩn trọng trước khi cho HS dùng ĐTDĐ trong lớp học. Việc này đòi hỏi phải được nghiên cứu và đánh giá tác động dự báo rủi ro theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.