Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Khó khăn mới trong đàm phán 6 bên

Khó khăn mới trong đàm phán 6 bên

Ngày 20-9, dư luận quốc tế đã hoan nghênh kết quả đạt được tại vòng đàm phán 6 bên vừa qua tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, khó khăn mới lại nảy sinh khi không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại viện trợ năng lượng và bảo đảm an ninh, CHDCND Triều Tiên cho biết họ sẽ không tháo dỡ các cơ sở hạt nhân cho đến khi được cung cấp lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.

Khó khăn mới trong đàm phán 6 bên ảnh 1

Vừa mới vui mừng vì cuộc đàm phán 6 bên thành công, ngay hôm sau, khó khăn, thách thức mới đã xuất hiện.

Mỹ và Nhật Bản đều phản đối yêu cầu này. Nhật Bản cho rằng đây là một đòi hỏi không thể chấp nhận được, còn Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng đã không tuân thủ thỏa thuận vừa ký ở Bắc Kinh.

Trong lúc đó, Trung Quốc kêu gọi các bên tham gia đàm phán vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên hãy tôn trọng những cam kết của mình. Hàn Quốc cho rằng đòi hỏi của CHDCND Triều Tiên không phá vỡ tuyên bố chung và có thể được giải quyết trong các cuộc đàm phán ngoại giao trước khi bước vào vòng đàm phán tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Bush cho rằng những cam kết của CHDCND Triều Tiên chỉ là “động thái tích cực” và cần phải có những biện pháp thẩm tra chắc chắn để đảm bảo nước này tuân thủ cam kết.

Phía Mỹ còn tuyên bố sẽ không vội tiến hành ngay chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình của CHDCND Triều Tiên, cụ thể việc cung cấp lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, mà chỉ thảo luận về vấn đề này vào thời điểm thích hợp.

Tuyên bố này được đánh giá là nhằm khẳng định lại quan điểm Mỹ sẽ không cung cấp lò phản ứng cho CHDCND Triều Tiên chừng nào nước này chưa tiêu hủy toàn bộ vũ khí hạt nhân và quay trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Ngoài ra, trưởng đoàn đàm phán Mỹ tại vòng đàm phán 6 bên còn cảnh báo nước Mỹ sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ mình và các đồng minh trong trường hợp CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân trái phép. Tuyên bố trên chứng tỏ việc CHDCND Triều Tiên và Mỹ, hai nước chủ chốt trong vòng đàm phán, tiếp tục giữ nguyên quan điểm đối lập nhau, sẽ khiến cho tiến trình đàm phán về vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên còn gặp nhiều trở ngại.

Trước đó, các nhà phân tích đã nhận định rằng tuyên bố chung đã bỏ qua yếu tố thời gian và trình tự hành động, nên không thể hiện được gì ngoài sự nhất trí trên nguyên tắc và cần phải đàm phán tiếp.

B.Tr. - TTXVN
(Theo Kyodo, AFP, AP)

Tin cùng chuyên mục