“Khoa học không biên giới”

"Science without Borders” là tên gọi một chương trình mà chính phủ Brazil vừa khởi động nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế đến làm việc tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm tại Mỹ và châu Âu đã kéo theo tỷ lệ các nhà khoa học thất nghiệp tăng cao, chính phủ Brazil muốn thu hút lực lượng này để đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp của mình, đồng thời bổ sung nhân lực cho lực lượng nghiên cứu viên tại Brazil mà hiện tại 1/3 trong số đó đang ở ngưỡng tuổi về hưu.

Mặc dù đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây trong chặng đường đưa nền khoa học lên một tầm cao mới theo hướng một nền khoa học xanh, nhưng ngành khoa học Brazil vẫn đang đối diện nhiều thử thách lớn với các thành tích khoa học còn quá khiêm tốn, các công bố khoa học của Brazil có tỷ lệ hợp tác với quốc tế rất thấp… Cũng như nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác, các nghiên cứu của Brazil trước đây chỉ tập trung vào nông nghiệp, sinh thái và các bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, hiện nay Brazil chuyển hướng nghiên cứu về năng lượng tái tạo, nông nghiệp, nước và di truyền động thực vật. Nhận thức được tầm quan trọng của “cuộc chơi” sẽ định hình hành tinh trong tương lai, “Science without Borders” mang trọng trách thu hút các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu hàng đầu quốc thế giới về đầu quân cho nước này. Các nhà nghiên cứu tài năng nước ngoài sẽ cộng tác với giới nghiên cứu địa phương làm việc trong cùng một dự án. Nỗ lực này sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao ở Brazil.

Đặc biệt, tăng nguồn nhân lực làm khoa học có thể giúp tìm thấy những giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp khi cơn sốt đầu tư đang nở rộ chưa từng thấy trên những ruộng lúa, cây trồng biến đổi gien đến những cánh đồng sinh học. Tuy nhiên, trong khi sở hữu cả một khu rừng nhiệt đới Amazon rộng lớn, chiếm 49% diện tích quốc gia, Brazil chỉ có khoảng 3.000 nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ. Mặc dù lớn hơn cả Pháp và Tây Ban Nha cộng lại, khu vực Amazon chỉ có một nhà khảo cổ học thường trú và mặc dù có hệ thống sông ngòi rộng lớn nhưng không có kỹ sư nào về thủy lợi. Brazil chưa có nhà khoa học nào đoạt giải Nobel khoa học hay y sinh học. Trong khi đó Argentina, đối thủ trong khu vực của nước này, có tới 3 giải Nobel.

Trong giai đoạn từ thập niên 70 đến 80, Brazil đẩy mạnh trào lưu đưa sinh viên ra nước ngoài du học. Khi trở về nước, những nhà khoa học này đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển ngành khoa học nước nhà. Năm nay các trường đại học của Brazil đã tăng gấp đôi số lượng nghiên cứu sinh so với thời điểm năm 2001, khi các trường đại học tuyển dụng hàng ngàn vị trí mới. Tuy nhiên, Brazil cần một chương trình mới, mạnh mẽ hơn để cải thiện ngành giáo dục, khuyến khích sự quốc tế hóa về công nghệ và phát minh của quốc gia này.

Do vậy, với mục đích “Brazil mới sẽ trở thành một nền kinh tế tri thức về tự nhiên”, “Science without Borders” cũng bao gồm việc trao học bổng cho 75.000 sinh viên Brazil theo học tại các trường đại học uy tín nước ngoài, với khoản ngân sách 234 triệu USD/năm và sẽ kéo dài tới năm 2014. Dự án này phản ánh sự thay đổi quan trọng trong tư duy của người Brazil. Khoa học có thể làm thay đổi nền kinh tế của quốc gia vốn dựa vào các nông sản và tài nguyên.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục