Không chỉ là cuộc đua vào ghế tổng thống

VIỆT KHUÊ

Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, ngày 23-4, với sự so tài của 11 ứng cử viên có những lập trường rất khác nhau. 5 ứng cử viên chính thu hút sự chú ý nhiều nhất là François Fillon, Emmanuel Macron, Marine Le Pen, Benoît Hamon và Jean-Luc Mélenchon.

Theo Le Monde Diplomatique, cuộc bầu cử tổng thống Pháp đánh dấu nhiều “lần đầu tiên”. Năm nay là năm đầu tiên trong lịch sử, bầu cử tại Pháp diễn ra các buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa toàn bộ các ứng viên. Lần đầu tiên, người ta không còn tự hỏi về sự có mặt của đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) ở vòng hai mà nêu giả thuyết FN giành chiến thắng. Lần đầu tiên, không ai ủng hộ bản tổng kết nhiệm kỳ 5 năm cho dù hai cựu bộ trưởng của tổng thống sắp mãn nhiệm, ông Benoît Hamon (đảng Xã hội-PS) và ông Emmanuel Macron (phong trào “Tiến bước”), cũng tham gia tranh cử.

Lần đầu tiên, các ứng cử viên của PS và của cánh hữu truyền thống, dù đã lãnh đạo nước Pháp liên tục kể từ đầu nền Cộng hòa thứ năm (từ năm 1958), có khả năng bị loại ngay ở vòng một. Và đặc biệt, nước Pháp cũng chưa có tiền lệ của một người bị truy tố vì tội biển thủ công quỹ nhưng lại ứng cử làm tổng thống. François Fillon (đảng LR), người đã để cho vợ mình nhận tiền lương cao từ ngân quỹ quốc hội trước đây, đã châm ngòi cho sự tức giận mới, lớn đến nỗi đã có những bình luận về một “cuộc khủng hoảng chế độ”. Việc tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai có lẽ là sự khởi đầu của tất cả những điều bất thường này.

Còn theo tạp chí Đức Internationale Politik, nước Pháp trước bầu cử đang bị chia rẽ mạnh mẽ. Sau các cuộc tấn công khủng bố gần đây, xuất hiện nỗi lo sâu sắc rằng sự đoàn kết xã hội của Pháp có thể sụp đổ. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang ở mức 10%, trong đó nhóm từ 18 đến 24 tuổi là 26%. Theo các cuộc thăm dò, 64% người Pháp tin rằng thanh niên hiện nay có ít cơ hội hơn so với cha mẹ của họ.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận chính xác hơn, tình hình của Pháp không hoàn toàn tồi tệ như người dân nước này tin vào. Chẳng hạn, tỷ lệ nghèo đói của Pháp thấp hơn của Đức, Anh, Italia và Tây Ban Nha. Nhưng điều này không ngăn cản 87% người Pháp tin rằng một cú trượt xuống nghèo đói có thể xảy với bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào. Cả sự bất bình đẳng về thu nhập cũng ít hơn so với các nước kể trên - thế nhưng người Pháp lại tin vào điều ngược lại, một phần bởi không có lý tưởng quốc gia chung nào thúc đẩy Pháp. Đất nước này đang mất phương hướng và đánh mất niềm tin vào tầng lớp chính trị của mình.

Đề cập tới thái độ của EU, nhiều  báo viết rằng kể từ sự kiện Brexit và chiến thắng của ông Donald Trump, chính sách của EU đã thay đổi. Cho dù EU không chiếm một vị trí quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp, thì cũng không nên đánh giá thấp vai trò của cuộc bầu cử này đối với tương lai của EU.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp không chỉ đơn giản là một cuộc đua vào Điện Élysée - nó còn xoay quanh một định nghĩa mới về bản sắc tập thể và vai trò của một quốc gia trong thế kỷ 21. Kết quả khảo sát gần nhất cho thấy ông Macron có chương trình vận động tranh cử tốt nhất với số phiếu bình chọn là 23%, đứng ngay sau ông này là ứng viên Mélenchon với 22%. Vòng 2 dự kiến diễn ra vào ngày 7-5 giữa 2 ứng viên dẫn đầu trong vòng 1.


VIỆT KHUÊ

Tin cùng chuyên mục