Không chỉ là hòa bình cho Libya

Không chỉ là hòa bình cho Libya

Ngày 13-12, Hội nghị quốc tế về Libya đã diễn ra tại Rome, Italia với mục đích kêu gọi các phe phái tại quốc gia Bắc Phi này tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong lúc cộng đồng quốc tế quan ngại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lợi dụng xung đột kéo dài tại Libya để bành trướng, mở rộng địa bàn.

Thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc

Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni và người đồng cấp Mỹ John Kerry đồng chủ trì hội nghị đã cùng đặc phái viên LHQ về Libya Martin Kobler và 18 quan chức ngoại giao cấp cao các nước châu Âu và Ảrập bàn thảo các vấn đề tại Bộ Ngoại giao Italia.

Libya rơi vào xung đột sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Từ đó đến nay, quốc gia Bắc Phi này tồn tại 2 chính phủ, một chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận đặt tại Tobruk và một chính phủ tự xưng đặt tại Tripoli, thủ đô cũ của Libya. Ngày 12-12 vừa qua, các phe phái tại Libya đã thống nhất ngày 16-12 tới là thời hạn để các bên ký thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết do LHQ bảo trợ, tiến tới chấm dứt xung đột tại quốc gia Bắc Phi. Vì vậy, hội nghị cấp bộ trưởng tại Rome lần này nhằm thúc đẩy cũng như chứng thực cam kết của các bên tại Libya về kế hoạch của LHQ.

Kế hoạch do LHQ bảo trợ kêu gọi trong vòng 40 ngày, các bên tại quốc gia Bắc Phi sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết, rồi từ đó tìm kiếm hỗ trợ an ninh từ bên ngoài để giảm căng thẳng và tập trung đẩy lùi IS. LHQ cũng hối thúc các bên tại Libya đến đầu tháng 2-2016 sẽ thành lập một hội đồng có trách nhiệm bổ nhiệm nội các, trong đó có người đứng đầu ngân hàng trung ương, công ty dầu khí quốc gia. Ngoài ra, chính phủ đoàn kết mới từ Tobruk sẽ quay trở về Tripoli.

Ám ảnh IS

Rất nhiều chuyên gia cho rằng IS coi Libya như một cơ hội tốt nhất để mở rộng phạm vi kiểm soát từ Iraq và Syria bởi Libya có vị thế chiến lược ở biển Địa Trung Hải và là một điểm trung chuyển ở Bắc Phi. Hiện IS đang tăng cường sức mạnh tại thành trì của tổ chức này ở TP Sirte, Libya bằng cách tuyển dụng thêm những kẻ ủng hộ cũng như lính đánh thuê nước ngoài. Mattia Toald, một nhà nghiên cứu chính sách của Hội đồng châu Âu về đối ngoại nhận định, các thủ lĩnh của IS đã đầu tư vào Libya một thời gian dài và ngày càng có nhiều lính đánh thuê từ Tunisia, Sudan, Yemen và Nigeria đổ về quốc gia Bắc Phi.

IS biểu dương lực lượng tại Sirte, Libya

Lợi dụng xung đột giữa các phe phái tại Libya, IS đã đánh chiếm Sirte và lập cứ điểm ở TP này. Giờ đây, Sirte trở thành nơi để IS tuyển dụng và huấn luyện các chiến binh. Theo một số nguồn tin, số lượng các tay súng IS tuyển dụng tại Sirte đã lên đến “vài ngàn” và không ngừng tăng. Trong một báo cáo mới nhất của LHQ, lực lượng chiến đấu cho IS tại Libya có từ 2.000 - 3.000 tay súng, trong đó có 1.500 tay súng tại Sirte. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định để thực hiện được tham vọng trên, IS sẽ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ người dân Libya, cũng như sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các liên minh khu vực.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã từng nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột tại Libya sẽ là vấn đề lớn trong thời gian tới. Cộng đồng quốc tế cũng nhận ra rằng nếu các phe phái tại Libya không đoàn kết, gạt bỏ lợi ích riêng, việc đối phó với IS tại Libya sẽ gặp vô vàn khó khăn. Hội nghị quốc tế về Libya tại Rome một lần nữa cho thấy sự lo ngại của cộng đồng quốc tế với cuộc xung đột kéo dài tại Libya, đang tạo điều kiện để chủ nghĩa khủng bố đe dọa toàn cầu.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục