Không để “hạ cánh an toàn”

Luật Cán bộ, công chức (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) qua quá trình thực thi đã từng bước củng cố, hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước và các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh, góp phần tích cực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, thực tiễn đã nảy sinh một vấn đề mà lại thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết, đó là trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức nhưng đã nghỉ hưu. Điển hình nhất là vụ việc nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bị Quốc hội phê bình trong một phiên họp có phát thanh, truyền hình trực tiếp trên toàn quốc vừa qua, nhưng cử tri hết sức băn khoăn, bởi hướng xử lý kỷ luật về mặt Nhà nước sẽ ra sao khi mà ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu, không còn chức vụ gì nữa.

Để cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian công tác có sai phạm nhưng chưa bị phát hiện không còn ung dung “hạ cánh an toàn”, xin kiến nghị Quốc hội sớm bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Cụ thể, trong Luật Cán bộ, công chức, nên bổ sung thêm Điều “Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu nhưng bị phát hiện sai phạm trong thời gian đương chức”. Trường hợp này sẽ bị xử lý tương ứng với hành vi sai phạm tại Điều 78 (các hình thức kỷ luật đối với cán bộ), Điều 79 (các hình thức kỷ luật đối với công chức), Điều 82 (các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật). Theo đó, về quyền lợi vật chất, mức lương, phụ cấp chức vụ… gắn với vị trí nắm giữ sẽ phải tính lại suốt thời gian công tác sai phạm (bao gồm hạ bậc lương, kéo dài thời hạn nâng bậc lương…), đương nhiên lương hưu cũng phải tính theo bình quân gia quyền đóng bảo hiểm xã hội sau khi điều chỉnh. Toàn bộ phần tiền chênh lệch đã nhận khi đang công tác cũng như lương hưu buộc phải truy trả lại cho Nhà nước (kể cả tiền thưởng các danh hiệu thi đua khen thưởng nếu có sẽ bị thu hồi).

Trong Luật Viên chức, cần bổ sung thêm Điều “Các hình thức kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu nhưng bị phát hiện sai phạm trong thời gian đương chức”. Trường hợp này sẽ bị xử lý tương ứng với hành vi sai phạm tại Điều 52 (các hình thức kỷ luật đối với viên chức), Điều 55 (trách nhiệm bồi thường, hoàn trả), Điều 56 (các quy định khác liên quan đến việc kỷ luật viên chức). Mọi quyền lợi về vật chất cũng phải tính lại tương tự như ở phần kiến nghị của Luật Cán bộ, công chức đã nêu ở trên.

Nếu bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mang tính chất chế tài về quyền lợi vật chất, chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực răn đe, hạn chế tối thiểu các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhằm trục lợi cá nhân khi đương chức, bởi cho dù đã về hưu vẫn bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
(huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục