Không để lịch sử lặp lại

Đã có ít nhất 800 người thiệt mạng chỉ trong 72 giờ cuối tuần qua trong cuộc chiến giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đối lập. 

Hậu quả của cuộc xung đột kéo dài từ tháng 4 đến nay là hơn 9.000 người thiệt mạng và hơn 5,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Công dân Arab Saudi và các nước khác rời cảng Sudan ngày 22-4. Ảnh: Reuters
Công dân Arab Saudi và các nước khác rời cảng Sudan ngày 22-4. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP), hiện có 20,3 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng và phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo ở Sudan, tương đương với 42% dân số Sudan. Dữ liệu của WFP cho thấy, có 6,3 triệu người đang sát bờ vực đói, con số cao nhất từng được ghi nhận ở nước này. Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ước tính, chỉ trong tuần trước đã có hơn 8.000 người chạy trốn khỏi Sudan sang nước láng giềng Cộng hòa Chad. Con số này có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.

Bạo lực leo thang ở Sudan đã khiến Liên hợp quốc ngày 12-11 phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ dẫn đến một cuộc diệt chủng mới. Tờ Politico cho biết, Cao ủy Liên hợp quốc Filippo Grandi đã so sánh tình trạng bạo lực hiện nay với nạn diệt chủng trước đây ở Darfur (miền Tây Sudan), trong đó ước tính có khoảng 300.000 người thiệt mạng từ năm 2003 đến năm 2005.

“20 năm trước, thế giới đã bị sốc trước những hành động tàn bạo và vi phạm nhân quyền khủng khiếp ở Darfur. Chúng tôi lo ngại một hiện tượng tương tự có thể đang diễn ra. Việc chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến và sự tôn trọng vô điều kiện đối với dân thường của tất cả các bên là rất quan trọng để tránh một thảm họa khác”, ông Grandi kêu gọi.

Cuộc đàm phán gần nhất của các bên tham chiến tại Sudan diễn ra ngày 26-10 tại TP Jeddah, Saudi Arabia. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo, thiết lập lệnh ngừng bắn tiến tới chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. Rất tiếc, đàm phán đã không đạt được tiến triển nào. Những lần hòa giải trước đó của các phe phái tại Sudan cũng chỉ dẫn đến những thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và bị vi phạm một cách có hệ thống ngay sau khi đạt được. Với lời kêu gọi cộng đồng thế giới đừng im lặng trước bạo lực ở Sudan, Liên hợp quốc muốn thế giới đừng để lịch sử lặp lại.

Tin cùng chuyên mục