Không để nông sản lệ thuộc đầu ra

Trong thời gian gần đây, Báo SGGP liên tục phản ánh những chuyện không vui của nông sản nước ta. Đó là câu chuyện dài, chưa biết khi nào mới kết thúc. Mới cách đây chưa lâu, bà con phải mang hoa lay ơn, cà rốt, đậu cô ve… cho trâu bò ăn, rồi gần đây dưa hấu bị ứ ở biên giới Trung Quốc. Đã từng có chuyện giá lúa rẻ hơn giá ốc bươu vàng, những ngày qua lại có chuyện giá dưa hấu rẻ hơn ly trà đá.

Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên. Như sản xuất không theo quy hoạch, không theo nhu cầu thị trường, không theo lợi thế so sánh, giá thành cao nên khó cạnh tranh… Những vấn đề này thực sự bản thân nông dân không thể chủ động được và cũng không thể giải quyết ngày một ngày hai được. Nhưng vấn đề lệ thuộc đầu ra có thể được giải quyết chủ động hơn các vấn đề khác và thực sự phải được khẩn trương giải quyết.

Hiện nay, sự lệ thuộc đầu ra thể hiện ở mấy điểm: lệ thuộc vào xuất khẩu, khi việc xuất khẩu có khó khăn thì đầu ra bị ứ; lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, khi thị trường đó ngưng mua hoặc không còn phù hợp thị hiếu thì bị động; lệ thuộc vào các doanh nghiệp thu mua, thương lái, mà lực lượng này thường chạy theo “độ nóng” của thị trường chứ ít khi hợp tác chặt chẽ với nông dân hay nhà sản xuất theo kiểu đôi bên cùng có lợi…

Sắp tới, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực thì lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều thách thức hơn cả. Mặc dù trên lý thuyết, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập các thị trường trong khối nhưng nông nghiệp là lĩnh vực được nhiều nước bảo hộ nên sự mở cửa cũng sẽ rất dè dặt, rất hẹp, khả năng mở rộng xuất khẩu sẽ không cao. Đã vậy, chất lượng và tiêu chuẩn của nhiều loại nông sản nước ta hiện chưa được đảm bảo, chưa tạo được uy tín và có thương hiệu với thế giới, nên việc thâm nhập trở nên rất khó khăn.

Ở chiều ngược lại, nông sản nước ngoài sẽ tràn vào nước ta, với lợi thế giá thành hợp lý, nhiều loại sẽ có giá cả cạnh tranh, trong khi chất lượng không kém nông sản trong nước, do vậy nguy cơ “thua trên sân nhà” là không nhỏ.

Nhà nước cần có chiến lược phát triển nông nghiệp một cách hợp lý. Đặc biệt, phải giải quyết tốt mối quan hệ sản xuất và tìm đầu ra để không còn phải phụ thuộc, bị động; trong đó cần chú trọng giải quyết đầu ra ngay từ trong nước chứ không chỉ chú trọng xuất khẩu. Tức là, nông sản phải giúp giải quyết nhu cầu tiêu dùng trong nước với yêu cầu không ngừng đáp ứng nhu cầu càng cao của người dân. Với các thị trường nước ngoài, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm cách đáp ứng một cách thỏa đáng bằng uy tín và thương hiệu.

TRÚC GIANG

Tin cùng chuyên mục