Không lẽ ngành chức năng bó tay?

Gần đây, tội phạm cướp giật trên đường phố và trộm cắp trong các khu dân cư liên tục diễn ra tại TPHCM, làm người dân bất an. Nhiều bạn đọc đã gửi thư về Báo SGGP lên tiếng vấn nạn này.

  • Kỳ vọng ở công an

Có thể thấy hành vi của những kẻ tội phạm trộm cướp tài sản ngày càng hết sức manh động, chúng sẵn sàng phạm tội đến cùng, ra tay chống trả rất quyết liệt, có thể gây nguy hiểm tính mạng của người dân và cả những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Do đó cần thiết phải loại trừ cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự nghiêm minh của luật pháp mới chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ loại trừ cái ác đã và đang lộng hành. Cần sự chung tay của cả xã hội để giảm thiểu và loại trừ cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng quan trọng hơn ngành công an cần tăng cường vai trò, nhiệm vụ phương tiện và tổ chức tuần tra thường xuyên trên đường phố và các khu dân cư có tình trạng bất an, để luôn sẵn sàng và kịp thời ngăn chặn, bắt giữ trộm cướp.

Nguyễn Đước (Quận 5, TPHCM)

  • Không lẽ lại thua lý bọn trộm cắp vặt?

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân TPHCM ngại sử dụng xe buýt đi lại, trong đó có nguyên nhân sợ nạn trộm cắp móc túi. Những tên lưu manh chuyên nghiệp hay dàn cảnh chen lấn để thừa cơ móc túi hành khách. Điều đáng nói, các tài xế và tiếp viên xe buýt đều biết mặt những tên tội phạm đó, nhưng do sợ bị chúng trả thù nên không dám lên tiếng cảnh báo. Để dẹp nạn móc túi trên xe buýt, công an một số địa phương đã cử trinh sát đi xe buýt để “bắt tận tay, day tận mặt” bọn móc túi. Thế nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”, vì chưa đủ cơ sở để xử lý pháp luật. Do vậy bọn trộm cắp càng xem thường pháp luật. Trả lời báo chí về việc này, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TPHCM giải thích: Do trị giá tài sản bị trộm thường không tới 2 triệu đồng, không đủ để xử lý hình sự, nên nhiều lần bắt giữ các băng nhóm móc túi, công an chỉ có thể lập hồ sơ, xử phạt hành chính.

Lẽ nào lực lượng công an tinh nhuệ của chúng ta lại kém tài, thua trí bọn lưu manh, trộm cắp vặt? Thiết nghĩ, cần có sự chấn chỉnh kịp thời của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm để an dân. Thực tế với các hành vi này, luật pháp đã quy định việc xử lý pháp luật khi tái phạm. Thế nên đối với những trường hợp đã kiểm điểm, xử lý hành chính mà tái phạm vẫn cần phải mạnh tay xử lý.

Biên Hà (Bình Thạnh, TPHCM)

  • Đi trộm bằng ô tô

Gần đây, bọn trộm cắp thường hoành hành tại các khu nhà trọ dành cho sinh viên và người có thu nhập thấp, lấy trộm chủ yếu là máy tính, xe máy... Bên cạnh bọn trộm cắp vặt, còn có những băng nhóm trộm cắp sử dụng cả ô tô, hàn xì để phá cửa, dọn nhà khi cả nhà đi vắng.

Điều đáng nói, ngay giữa khu dân cư đông người mà bọn trộm vẫn “hành nghề” được, chứng tỏ thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, táo tợn và tinh thần cảnh giác của người dân chưa cao. Mặt khác, loại tội phạm này càng nhiều mà ít bị xử lý mạnh tay nên càng lúc càng hoành hành hơn trước. Muốn ngăn chặn được loại tội phạm này, trước hết mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, đề phòng trộm cắp bằng cách cài khóa cẩn thận phòng trọ và nhà ở, cất giữ những tài sản có giá trị. Ngoài ra, cơ quan công an và lực lượng dân phòng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt hơn địa bàn mình phụ trách, tuyên truyền giúp người dân cách phòng tránh trộm cắp.

Lê Đặng (Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục