Dự án Luật Hôn nhân gia đình có nêu quan điểm cho phép giảm độ tuổi kết hôn 1-2 tuổi: nam từ 20 tuổi giảm còn 18 (hoặc 19) tuổi và nữ từ 18 tuổi giảm còn 16 (hoặc 17) tuổi. Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến các chuyên gia và người dân trước khi trình Quốc hội thông qua.
Trước đây, độ tuổi dậy thì thường 13 tuổi, nay đã giảm 1-3 tuổi, do đó đến 15-16 tuổi đã có sự trưởng thành nhất định. Đó là kết quả sự cải thiện nhiều mặt của đời sống, từ vật chất, tinh thần đến các mối quan hệ xã hội. Trong khi đó, hiện hay, tình trạng kết hôn khi chưa đủ tuổi vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng không nên trẻ hóa độ tuổi kết hôn. Độ tuổi 16-18 (cả nam lẫn nữ) chưa phát triển hoàn chỉnh về mặt tâm sinh lý (nhất là về sinh học). Nếu cho kết hôn ở độ tuổi này sẽ có nhiều bà mẹ nhí, ông bố nhí, thật khó có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh và cũng không dễ nuôi dạy những đứa trẻ một cách tốt nhất để trở thành những công dân tương lai tốt nhất cả về mặt thể chất, tư duy.
Như vậy, trẻ hóa độ tuổi kết hôn có nguy cơ làm hạn chế khả năng phát triển thể trạng nòi giống của dân tộc, trong khi thực tế hiện nay, sự phát triển đó đã rất chậm (nhất là về mặt chiều cao). Độ tuổi 16-18 phần đông còn đang đi học, nhất là khi cả nước đang thực hiện phổ cập bậc trung học, do đó nếu cho phép độ tuổi này kết hôn dường như “có ý khuyến khích” một số người bỏ học để lập gia đình, khi chưa có nghề nghiệp ổn định, tạo ra gánh nặng cho xã hội.
Nếu trẻ hóa độ tuổi kết hôn, cần phải sửa lại nhiều luật khác, điều đó khó thực hiện ngay một lúc, do đó nếu thi hành đồng thời thì giữa các luật sẽ có sự chênh đáng kể. Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên”. Nếu giảm độ tuổi kết hôn thì điều này nên sửa là: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên là người thành niên”, vì chẳng thể nào người đã lập gia đình mà chưa thành niên. Từ đó sẽ phải điều chỉnh tiếp Bộ luật Lao động (giảm tuổi lao động), Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (hạ tuổi coi là trẻ em)... Cũng như vậy, các điều trong Bộ luật Hình sự quy định về “tù có thời hạn” đối với người chưa thành niên phạm tội hay độ tuổi để xác định tội “hiếp dâm trẻ em” hoặc “giao cấu với trẻ vị thành niên”… cũng phải sửa lại.
Nếu thực hiện việc trẻ hóa độ tuổi kết hôn thì nỗ lực chống tảo hôn trở nên mất tác dụng và có nguy cơ sẽ tạo ra sự trẻ hóa tình trạng tảo hôn. Dù việc chống tảo hôn chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng đã có những tác dụng nhất định. Chống tảo hôn không chỉ giúp tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh mà còn giúp xây dựng gia đình bền vững.
Tóm lại, với nước ta điều kiện hiện nay hoàn toàn không nên hạ độ tuổi kết hôn với bất kỳ lý do gì. Bên cạnh những lý do ràng buộc giữa các quy định, giữa điều kiện đời sống…, điều quan trọng nhất vẫn là cần chú trọng đến chất lượng giống nòi của các thế hệ người Việt trong tương lai.
Trịnh Minh Giang (Thủ Đức, TPHCM)