Trên quốc lộ 13 đoạn qua ngã tư Bình Triệu có một điểm giao cắt giữa quốc lộ 13 và đường ray xe lửa ngay tại ga Bình Triệu. Điểm giao cắt này có rào chắn và hệ thống đèn tín hiệu với 3-4 nhân viên gác chắn.
Mỗi khi tàu đến, đèn báo hiệu sáng và còi báo hiệu vang lên, khi đó các phương tiện giao thông phải dừng lại để tránh tàu hỏa. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy đã cố tình vượt qua đường ray khi nhân viên ga tàu chưa kịp kéo rào chắn ngang. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi xảy ra kẹt xe. Còn nhớ cách đây không lâu, nhân viên gác chắn tại ga Bình Triệu đã hoảng hốt và bất lực trước dòng người cố tình vượt đèn báo hiệu tàu hỏa đến, dẫn đến kẹt cứng trên đường ray.
Ngoài ra, tôi còn thấy nhiều nhân viên gác chắn đã mở rào chắn quá sớm khi tàu hỏa chưa qua hết đoạn giao cắt (ảnh, chụp tại ngã tư Bình Triệu). Điều này cũng nguy hiểm vì sẽ tạo ra một khoảng trống có thể gây ra tai nạn đáng tiếc, bởi khi dừng để chờ tàu qua, người điều khiển xe máy thường có thói quen về số 1 hoặc số 2 để chuẩn bị xuất phát. Nhiều trường hợp người điểu khiển xe máy, kể cả xe số hay xe tay ga “lỡ tay” lên ga, nếu có một chỗ trống, rất có thể xe máy sẽ lao vào.
Điển hình là tai nạn xảy trên đường sắt thuộc địa phận phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM vào sáng 11-5-2011. Trước đó, dù nhân viên gác chắn đã ra hiệu sắp có tàu hỏa chạy qua và nạn nhân đã chấp hành nhưng khi tàu hỏa đến thì bất ngờ nạn nhân rồ ga phóng ra giữa đường sắt và bị đầu tàu cuốn vào gầm, tử vong.
Để hạn chế tối đa các tai nạn đường sắt thương tâm, người dân và nhân viên của ngành tàu hỏa cần nâng cao ý thức và trách nhiệm hơn nữa.
Mạnh Tùng (Q.Thủ Đức, TPHCM)