Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung đang được trình Quốc hội thông qua, trong đó có một vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận và đông đảo người lao động quan tâm theo dõi: Có nên tăng giờ làm thêm lên nhiều hơn so với quy định hiện tại?
Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, tổng cộng giờ làm thêm đối với người lao động, công nhân trong các ngành nghề bình thường không quá 200 giờ trong một năm. Đối với các ngành nghề có tính chất “đặc biệt” khác như: may mặc, giày da…, giờ làm thêm không quá 300 giờ trong một năm hoặc theo quy định của Chính phủ.
Theo tôi, giờ làm thêm theo như quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là hoàn toàn hợp lý và khoa học. Không thể có suy nghĩ phải tăng thời giờ làm thêm lên đến 360 giờ trong một năm như kiến nghị của một vài đại biểu, điều đó là bất công đối với những người lao động làm công ăn lương, không chỉ là đi ngược lại với lợi ích chung của người lao động mà còn đi ngược lại với tiến trình phát triển chung của xã hội và thế giới là tăng thời giờ nghỉ ngơi, giảm thời giờ làm việc.
Thực tế nhiều người lao động đã làm việc rất vất vả nhưng vẫn chấp nhận làm thêm nhằm có thêm thu nhập trong hoàn cảnh mức lương quá ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Một khi đã chấp nhận tăng giờ làm thêm cũng có nghĩa người lao động, công nhân trực tiếp tham gia sản xuất sẽ phải vất vả hơn rất nhiều, phải vắt sức lao động nhiều hơn và một thực tế là họ sẽ không còn nhiều thời gian để chăm lo cho bản thân cũng như sức khỏe của mình để tái tạo sức lao động, và đặc biệt là không còn nhiều thời gian để chăm lo cho con cái, gia đình. Đó chính là mối nguy hại cho gia đình và xã hội khi tăng giờ làm thêm.
Không nên nghĩ rằng trong tình thế chưa thể cải thiện được đồng lương cho người lao động thì chấp nhận tăng giờ làm thêm cũng là cách giúp người lao động có thêm thu nhập.
Nguyễn Đước (Quận 5, TPHCM)