Dư luận đang có nhiều ý kiến không đồng tình với nội dung dự thảo thông tư của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (GTĐB), trong đó có quy định ưu tiên giải quyết cho đi nhanh đối với trường hợp của cán bộ cấp cao. Quy định ưu tiên giải quyết như vậy là có sự phân biệt đối xử giữa các công dân và bất bình đẳng theo pháp luật.
Hiến pháp và pháp luật nước ta khẳng định nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và phải được đối xử như nhau về quyền và nghĩa vụ. Điều 2 Luật GTĐB đã quy định đối tượng áp dụng luật này như sau: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến GTĐB trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Như vậy, cán bộ cấp cao cũng như mọi người đều là đối tượng áp dụng của Luật GTĐB. Điều 4 về nguyên tắc hoạt động GTĐB cũng quy định: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật GTĐB phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”. Thông tư là văn bản dưới luật, không được trái với Hiến pháp và đã liên quan đến GTĐB thì cũng không thể quy định trái với Luật GTĐB. Như vậy, thông tư ban hành quy định riêng cho việc ưu tiên giải quyết cho đi nhanh khi điều tra, giải quyết tai nạn GTĐB đối với trường hợp cán bộ cấp cao là vi hiến, có thể dẫn đến những hệ lụy: tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội; gây ra sự chia rẽ và mất đoàn kết giữa nhân dân với cán bộ; hình thành tâm lý và thói quen kiêu ngạo đứng trên pháp luật ở cán bộ.
Vẫn biết cán bộ cấp cao rất bận rộn lo việc nước, việc dân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lưu ý căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Và Người ra sức chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện quan liêu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng sẽ thấy ngay rằng việc đặc cách, ưu tiên cho cán bộ khi điều tra, giải quyết tai nạn GTĐB là không nên, vì sẽ tạo ra tiền lệ đặt cán bộ đứng trên nhân dân và trên cả nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thiếu khách quan và vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Khi cán bộ cấp cao tự lái xe, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì cũng phải xử lý như dân thường. Mà thực tế cũng không cần thiết phải đưa ra quy định ưu tiên cho trường hợp này, vì cán bộ cấp cao rất ít khi tự lái xe và pháp luật đã có quy định ưu tiên với xe đang thi hành công vụ.
NGUYỄN MINH KHÁNH
(quận 7, TPHCM)