Không ổn khi kéo dài tuổi nghỉ hưu

Tôi đồng tình với bài “Cân nhắc khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu” đăng trên báo SGGP ngày 21-2-2013. Để đối phó với nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ, tôi nghĩ không ổn lắm.

Tôi đồng tình với bài “Cân nhắc khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu” đăng trên báo SGGP ngày 21-2-2013. Để đối phó với nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ, tôi nghĩ không ổn lắm.

Tôi là nhà giáo đã nghỉ hưu được 2 năm và nhận thấy ở độ tuổi của mình về hưu là phù hợp. Thứ nhất vì sức khỏe. Tôi còn nhớ khi bước qua tuổi ngoài 50, lúc leo lên những bậc thang để đến lớp học, các cô giáo độ tuổi tôi đều thấy thấm mệt và đếm từng năm chờ tuổi hưu. Thực tế phụ nữ ở tuổi 50 cơ thể như chiếc máy già cỗi, thường mắc bệnh: thấp khớp, tim mạch… Lên đến bục giảng là thở hồng hộc, tim nhảy thình thịch. Đứng giảng bài khoảng 20 phút là gối mỏi, tê cứng. Ấy là tôi nói với góc độ của một nhà giáo, những ngành nghề khác lao động chân tay nặng nhọc càng khó khăn hơn. Vì thế đến tuổi 55, tôi hân hoan cầm quyết định nghỉ hưu dù biết phải đối mặt với đồng lương hưu còm cõi.

Với việc giảng bài phải nói lớn hàng giờ liền, sức khỏe của một phụ nữ hơn 55 tuổi không cho phép. Nguyên nhân thứ hai là lớp người lớn tuổi nên nhường bước cho người trẻ. Người trẻ bao giờ cũng đầy nhiệt huyết, năng động và đầy lý tưởng cống hiến. Một phụ nữ ở tuổi hơn 55 không thể có năng suất làm việc, sự năng động, nhanh nhẹn, nhiệt tình như một người tuổi 23. Người trẻ luôn đầy sáng tạo, luôn cập nhật học hỏi trong khi người già luôn càm ràm, bảo thủ và cảm thấy mỏi mệt. Hãy để những người trẻ hơn, sáng suốt hơn thay thế để cống hiến hiệu quả hơn và làm việc đạt năng suất cao hơn.

Tuy nhiên có những ngành nghề nên tăng tuổi hưu, đó là bác sĩ, nhà nghiên cứu. Một bác sĩ chuyên khoa phải mất 10 năm học hành, ra trường phải làm việc trên 10 năm mới tích lũy được kinh nghiệm trong nghề, nếu nghỉ hưu sớm như hiện nay thật lãng phí chất xám. Còn những ngành nghề khác, nhất là nghề giáo xin hãy giữ tuổi hưu như hiện nay. Đừng vì lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà cản bước tiến của người trẻ, giảm năng suất làm việc và hiệu quả công việc của một guồng máy xã hội.

Nguyễn Ngọc Hà (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục