Không thể chậm trễ được nữa

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kể từ ngày 1-1-2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, bộ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về phân loại CTRSH tại nguồn trong tháng 9-2023. Nhưng một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn là chưa đủ để đảm bảo thành công của việc tưởng nhỏ mà lại rất khó này, chưa nói đến việc liệu hơn một năm nữa có đủ thời gian để phổ biến bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn này đến mọi tổ chức, cá nhân hay không.

Thực tế, việc phân loại CTRSH tại nguồn không còn là mới mẻ ở nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam cũng đã được thực hiện thí điểm nhiều lần tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng đều đã… thất bại. TPHCM đã triển khai phân loại rác tại nguồn thí điểm từ những năm 2008 với lộ trình từng bước rõ ràng.

Nếu năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất tại một phường/xã/thị trấn, thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 phường/xã/thị trấn và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Trong khi đó, mô hình 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ Hà Nội được triển khai thí điểm tại 4 phường Láng Hạ, Nguyễn Du, Thành Công và Phan Chu Trinh năm 2006. Sau 3 năm triển khai, JICA đã chuyển giao toàn bộ cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Ở thời điểm đó, hiệu quả phân loại rác đạt gần như tuyệt đối, thế nhưng đến nay tác phong văn minh này cũng đã bị quên lãng hoàn toàn.

Lý do thì có nhiều nhưng chủ yếu là chưa có hướng dẫn về quy trình, chế tài bắt buộc phân loại rác cũng như chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam; rác tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai nhặt và bán trước khi đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom rác có thể thu hồi; thiếu kinh phí đầu tư thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển; thiếu nhân lực; thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại rác tại nguồn…

Tuy khó lượng hóa tuyệt đối, nhưng lợi ích kép của việc phân loại CTRSH tại nguồn là không thể phủ nhận. Về giá trị hữu hình, nhờ giảm lượng rác thải ra môi trường, từ đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm lượng rác chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, nhờ tăng được lượng rác tái chế, tái sử dụng nên có thể tận dụng, tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; tăng tính trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Do đó, đây là việc phải làm và phải làm bằng được. Giải pháp, theo nhiều chuyên gia là cần rà soát lại toàn bộ chương trình phân loại CTRSH tại nguồn, khâu nào còn bất cập, điều chỉnh ngay; khâu nào còn thiếu các quy định pháp luật cần thiết, đề xuất bổ sung. Bên cạnh bộ quy định chung, cần xây dựng những quy định cụ thể, phù hợp với từng khu vực dân cư. Đơn cử như việc đầu tư hệ thống thu gom rác đạt chuẩn, với các thùng rác nhiều ngăn để chứa rác đã phân loại cho nhóm thu gom rác dân lập ở TPHCM. Việc này, Sở TN-MT TPHCM cùng nhiều quận, huyện đã từng bàn từ nhiều năm nay nhưng chưa làm được vì thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ hiệu quả.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhân lực, “đánh thức” ý thức của tổ chức, cá nhân có nguồn thải, đưa ra lời giải dứt điểm cho vấn đề phân loại CTRSH tại nguồn để vừa bảo vệ môi trường vừa khai thác được ngành kinh tế ngàn tỷ đồng này là việc không thể chậm trễ được nữa.

Tin cùng chuyên mục