Đầu tháng 10, tại Huế, dư luận kinh hãi khi nghe tin đồn trong bánh snack có đỉa. Một số trang web nhanh nhảu đưa tin, kể chi tiết rằng ngâm bánh snack trong nước một đêm thì thấy xuất hiện lúc nhúc những con vật màu trắng, sau đó chuyển thành màu đen, nghi là đỉa.
Tiếp đó, tại Vĩnh Phúc lại rộ lên tin đồn có đỉa xuất hiện trong sữa. Với sự tiếp sức thông tin của một số trang web, tin này lan truyền thật nhanh trên cả nước, làm ai cũng sợ. Người ta liên hệ với việc một số thương nhân nước ngoài sang Việt Nam thu mua đỉa số lượng lớn, rồi suy diễn rằng đỉa được thu mua để trộn vào thực phẩm nhằm… tăng độ dinh dưỡng và ngon hơn.
Giữa tháng 10, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải 2 lần công bố kết quả xác minh, xét nghiệm, khẳng định không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng hay đỉa trong bánh snack hay sữa. Mặc dù đã có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nhưng một số trang web trước đó đã đưa tin thất thiệt cũng không đính chính, thậm chí cũng không gỡ bỏ thông tin thất thiệt đã đăng. Cuối tháng 11, lại rộ lên tin phát hiện có đỉa trong mì ăn liền. Những tin đồn thất thiệt như vậy đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ ở người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều thương hiệu. Rõ ràng những tin đồn này được tung ra với mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Các hiệp hội đã phải nhờ đến công an vào cuộc để tìm nguồn gốc, nguyên nhân, động cơ của những kẻ tung tin đồn thất thiệt.
Thông thường những tin đồn thất thiệt được lan truyền nhanh từ những người nhẹ dạ cả tin, thích kể lại với mọi người những tin “giật gân” mà không phân biệt thông tin đúng hay sai. Thế nên, tin có đỉa trong thực phẩm được suy diễn rằng đỉa được cố ý đưa vào thực phẩm, người ăn phải sẽ bị đỉa sinh sôi trong bụng, có chất độc trong người nên sẽ bị suy kiệt đến chết. Đó là điều thật vô lý, theo các nhà khoa học, với quy trình nghiêm ngặt, khép kín, các sản phẩm được xử lý ở nhiệt độ trên 1400C sẽ không có sinh vật tồn tại, bao gồm cả đỉa, côn trùng, ký sinh trùng, trừ trường hợp sản xuất, bảo quản, vận chuyển không đúng quy trình.
Hiện nay, thông tin trên mạng được lan truyền rất nhanh, thế nhưng có một số trang web dễ dãi đưa tin không cần kiểm chứng thông tin, thậm chí cũng không cần suy xét về những yếu tố vô lý. Người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh, và những người đưa tin cũng phải là người đưa tin thông minh và có trách nhiệm. Theo tôi, các hiệp hội có sản phẩm bị lao đao vì tin đồn thất thiệt nên mạnh dạn kiện các trang web đã đăng tin đồn thất thiệt, đưa vụ việc ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đó chính là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng thông tin thiếu căn cứ, vô trách nhiệm.
Hoàng Việt (quận 1, TPHCM)