LTS: Sau nhiều ngày truy lùng, mai phục, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ Diệp Tấn Dũng (đối tượng trong clip ghi cảnh giật túi xách dưới cầu Sài Gòn) khi y lẻn về nhà vợ ở quận 9, TPHCM. Bạn đọc Báo SGGP đã có ý kiến về công tác đấu tranh chống tội phạm qua vụ việc này.
- Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm
Ngày 25-9-2012, Diệp Tấn Dũng và Lê Minh Pha đã phóng xe theo giật túi xách của một cô gái đang chạy xe dưới cầu Sài Gòn. Tình cờ camera lộ trình của chiếc ô tô chạy phía sau đã ghi lại toàn bộ hành vi cướp giật. Khi clip được đăng tải lên mạng, dư luận rất bức xúc vì thấy rõ sự manh động của bọn tội phạm cướp giật trên địa bàn TPHCM hiện nay. Từ clip này, Cảnh sát đặc nhiệm Công an TPHCM đã truy lùng ráo riết, lần ra tung tích, xác định được nơi ở của hai tên cướp giật.
Người dân ghi nhận đây là một sự cố gắng, thể hiện rõ quyết tâm trấn áp tội phạm của Công an TPHCM. Ngay chính Diệp Tấn Dũng khi bị bắt giữ đã khai phải trốn chạy rất nhiều nơi sau khi gây án, nhưng đến đâu cũng bị công an truy nã ráo riết. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm rất đáng hoan nghênh của các trinh sát thực hiện chuyên án này.
Lâu nay, đã có không ít trường hợp người dân bị cướp giật đến công an phường khai báo nhưng chỉ được yêu cầu làm đơn trình báo, không thấy ai quan tâm hỏi han giải quyết, rồi cũng không thấy có kết quả gì. Thậm chí nhiều khi người dân bắt được kẻ giật giọc, móc túi, áp giải giao công an, rồi sau đó lại phải ấm ức thấy kẻ gian được thả vì giá trị tài sản cướp trộm chưa đến 2 triệu đồng, chưa đến mức xử lý hình sự. Đó cũng là nguyên nhân khiến bọn tội phạm xem thường pháp luật, ngày càng manh động, hung hăng hơn. Rất mong lực lượng công an các địa phương đều hết lòng, gắng sức thực hiện nhiệm vụ trấn áp tội phạm như trong vụ truy bắt 2 tên Diệp Tấn Dũng và Lê Minh Pha.
Cũng qua chuyên án này, cho thấy camera hành trình của ô tô đã cung cấp thông tin có ích cho công tác phá án. Do vậy, cần thiết phải trang bị hệ thống camera giám sát ở các khu vực phức tạp về an ninh trật tự. Đây sẽ là phương tiện hỗ trợ phá án, qua việc giúp nhận diện tội phạm và phương tiện xe dùng gây án, tạo thuận lợi cho việc xác định tội phạm và truy nã; đồng thời cũng là bằng chứng thuyết phục cho công tác điều tra xử lý. Người đi đường khi tình cờ chứng kiến hành vi phạm tội, nên mạnh dạn cung cấp các thông tin hữu ích cho công tác điều tra. Đó cũng là một cách tham gia đấu tranh chống tội phạm, giữ cuộc sống bình yên cho mọi người.
Trần Nguyệt Quỳnh (Quận 8, TPHCM)
- Đừng để người dân phải lo sợ
Dư luận người dân TPHCM rất nao núng, lo sợ sau vụ một sinh viên phải mất mạng tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám khi truy đuổi theo tên cướp giật để dành lại máy tính xách tay của mình. Sau đó, ngay cả một công an tham gia truy đuổi kẻ cướp giật cũng bị đâm trọng thương. Hiện nay mỗi khi ra đường, không ít người luôn có tâm trạng thấp thỏm lo sợ nạn cướp giật. Thế nên khi đọc tin về việc công an quyết liệt truy nã, bắt giữ một kẻ cướp giật túi xách sau gần một tháng rưỡi lẩn trốn, dư luận rất hoan nghênh tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của lực lượng công an, đặc biệt là các trinh sát thực hiện chuyên án này.
Tôi có quen biết thành viên một băng nhóm cướp giật, sau khi ở tù về, anh đã hoàn lương và mở một tiệm hớt tóc. Anh kể, khi bọn tội phạm hoạt động theo băng nhóm trở nên rất nguy hiểm. Bọn chúng có một tên cầm đầu, mỗi lúc hành động đều lên kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị kỹ các tình huống. Khi hành động, chúng thường đi đến 4 chiếc xe.
Phát hiện được con mồi, 1 chiếc chạy lên, cố tình va quẹt, 2 chiếc tiếp theo chạy lên theo, cặp hai bên; người chạy xe này giả vờ hỏi thăm để gây chú ý, cho người chạy xe bên kia giật túi xách. 1 chiếc chạy sau cùng làm nhiệm vụ cản đường, sẵn sàng đạp ngã xe những người đuổi theo bọn chúng, hoặc chạy trước đầu xe gây cản trở. Ngoài việc cướp giật giỏ xách, điện thoại di động, bọn cướp giật cũng ra tay cướp giật các hàng hóa có giá trị. Thủ đoạn cũng tương tự, đi nhiều tên trên nhiều xe máy, rồi 1 xe áp sát xe nạn nhân để tên ngồi sau dùng kéo cắt dây buộc hàng hóa, tên ngồi sau trên chiếc xe cặp phía bên kia rinh thùng hàng một cách nhẹ nhàng. Hành vi diễn ra rất nhanh và táo bạo.
Các thủ đoạn đó cho thấy bọn cướp giật thường không hành động một mình, hành động khá nhịp nhàng và có sự tính toán kỹ lưỡng. Do vậy, người bị cướp và người đi đường chứng kiến vụ việc hoàn toàn không thể phản ứng lại được và nếu phản ứng sẽ lâm vào tình thế rất nguy hiểm. Hiểu như vậy để thấy rằng không thể để người dân cứ phải đơn độc khi gặp cướp giật ngoài đường. Rất cần có sự quan tâm tuần tra thường xuyên của công an trên những đường phố có tình hình phức tạp về an ninh trật tự. Các đội tuần tra kiểm soát cần kết hợp với công an và dân quân phường - quận để phối hợp hành động, phản ứng nhanh. Cần có những trinh sát mặc thường phục chuyên trách việc tuần tra phát hiện và bắt giữ tội phạm gây án trên đường phố.
Trương Quang Khoa (Quận 4, TPHCM)