Khung học phí cần thể hiện sự công bằng

Đổi mới ngành giáo dục Việt Nam thông qua nâng cao chất lượng, tạo ra những sản phẩm giáo dục đạt yêu cầu sử dụng của thị trường lao động thời hội nhập là một yêu cầu cấp bách. Vì thế, dù biểu quyết thông qua Đề án cải cách cơ chế tài chính giáo dục nhưng nhiều đại biểu Quốc hội (QH) vẫn cảm thấy trăn trở, lo ngại cho “sự nghiệp trồng người” của nước ta là điều dễ hiểu.

Vấn đề khiến một số đại biểu QH chưa hài lòng chính là việc nội dung đề án  còn để khuyết việc đánh giá cụ thể hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian qua. Bởi lẽ, vì mục tiêu phát triển giáo dục- đào tạo, nhà nước đã liên tục tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này, thậm chí có địa phương chi cho giáo dục đến 70%  nhưng hiệu quả đến đâu, chất lượng được khẳng định như thế nào thì chưa được làm rõ. Đó là chưa kể khoản tự chi từ ngân quỹ mỗi gia đình (tức nguồn lực trong dân) rất lớn, góp phần tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao thông qua con đường du học tự túc, trang bị trình độ tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế…

Đúng như cách đặt vấn đề của đại biểu QH Trần Du Lịch (TPHCM): “Cần phải đánh giá lại nỗ lực của toàn xã hội đã thắt lưng buộc bụng chi cho giáo dục - đào tạo, ngành đã sử dụng như thế nào?”. Rõ ràng chúng ta chưa đánh giá hết nguồn lực do thực hiện chủ trương xã hội hóa mang lại. “Có bột mới gột nên hồ”! điều này không sai nhưng để những đồng tiền huy động trong dân được sử dụng hiệu quả thì Chính phủ phải nhìn lại thực tế và có đánh giá, phân tích cụ thể. Cần phải xem lại ở khâu nào, dự án nào, tiền của dân của nước bị thất thoát để trám lại ngay và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị sử dụng ngân sách dành cho giáo dục sai mục đích, kém hiệu quả.

Chúng tôi đồng tình với đề án cải cách cơ chế tài chính giáo dục nhưng cần cân nhắc kỹ về khung học phí cũng như thời điểm áp dụng, vì mức sống của người dân cả nước chênh lệch khá cao. Khi phải chi phí cho giáo dục, học nghề, thanh niên nghèo, học sinh nghèo sẽ bị tước dần cơ hội học hành, trang bị nghề nghiệp.Vì thế, để tạo động lực cho “sự nghiệp trồng người” cất cánh, sánh vai với các nước trong khu vực trong thời gian ngắn nhất thì các giải pháp về tài chính phải thể hiện sự công bằng lẫn hiệu quả xã hội. 

VÂN THANH (TP Nha Trang)

Tin cùng chuyên mục