Khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm mùa nắng nóng

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, công suất tiêu thụ điện toàn quốc ngày 2-6 lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.558MW. Như vậy, nếu so với mức đỉnh năm 2020 thì công suất đỉnh toàn quốc ngày 2-6 đã cao hơn tới hơn 3.200MW - tức tương đương với tổng công suất của cả Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400MW) và thủy điện Lai Châu (1.200MW).

Tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài làm nhiều thiết bị điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện.

Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và cơ sở sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 15 giờ, buổi tối từ 20 giờ đến 23 giờ. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27oC trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM cũng cho biết, lượng điện tiêu thụ của thành phố trong tuần từ ngày 10 đến 16-5 đạt mức kỷ lục với 602 triệu KWh/tuần. Trong các ngày 11, 12 và 14-5, lượng điện tiêu thụ của thành phố lần lượt là 90,32 triệu KWh, 90,27 triệu KWh và 90,69 triệu KWh, cao nhất từ trước đến nay và vượt mức kỷ lục 90,038 triệu KWh được lập vào ngày 24-4-2019.

Việc gia tăng tiêu thụ điện tương ứng với nhiệt độ mùa nắng nóng khi khách hàng sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó là yếu tố nhảy bậc theo biểu giá điện hiện hành do Bộ Công thương ban hành theo QĐ 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 dẫn đến tiền điện càng tăng cao, nhất là trường hợp tiêu thụ từ dưới 200KWh/tháng tăng lên trên 200KWh/tháng ứng với các bậc 4-6 có mức tăng trên 150% so với bậc 1.

Một trong những nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao là do sử dụng máy lạnh nhiều. Mới đây, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Mô hình gồm 2 phòng có kích thước như nhau, gắn máy lạnh 1HP inverter như nhau, có hệ thống đo lường và giám sát được thiết lập theo chuẩn Smart factory, 1 phòng có cục nóng đặt trong môi trường tự nhiên và 1 phòng đối chứng có cục nóng đặt trong môi trường có nhiệt độ cài đặt khác nhau.

Thực nghiệm sau 8 giờ sử dụng máy lạnh cho thấy, cùng cài đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20oC, nếu nhiệt độ môi trường là 30oC thì điện năng tiêu thụ là 6,46KWh. Khi nhiệt độ môi trường là 35oC và 40oC thì lượng điện tiêu thụ tương ứng là 8,51KWh (tăng 31,7%) và 10,72KWh (tăng 65,8%).

Kết quả cho thấy, nhiệt độ môi trường càng cao thì máy lạnh càng tiêu tốn điện năng nhiều hơn. Trường hợp nhiệt độ môi trường là 35oC, nếu đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20oC thì điện năng tiêu thụ là 8,51KWh, tăng 139,64% so với khi đặt nhiệt độ máy lạnh ở 26oC (có mức điện năng tiêu thụ là 3,55KWh). Kết quả cho thấy, nếu duy trì độ lạnh sâu 20oC thì điện năng tiêu thụ tăng rất nhiều so với duy trì ở mức 26oC.

Cũng từ thực nghiệm này cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời 30oC như các tháng mát trời và máy lạnh cài đặt ở 26oC theo các khuyến cáo thì điện năng tiêu thụ là 2,3KWh. Khi nhiệt độ môi trường 35oC như những ngày nắng nóng và máy lạnh cài đặt ở 20oC như thói quen của nhiều người thì điện năng tiêu thụ tăng lên 8,51kWh, mức tăng lên đến 369,44%.

Khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm mùa nắng nóng ảnh 1 Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng tham quan mô hình đối chứng máy lạnh hoạt động trong 2 điều kiện môi trường khác nhau

“Trong những ngày nắng nóng, người dân sử dụng máy điều hòa với thời gian nhiều hơn và có xu hướng cài đặt nhiệt độ thấp để làm phòng mát nhanh hơn, tránh cái nóng của môi trường. Cộng với nhiệt độ môi trường cao đã tác động trực tiếp đến dàn nóng, khiến máy lạnh hoạt động nặng nề hơn nên lượng điện năng tiêu thụ gia tăng rất lớn. Điều này cũng xảy ra đối với tủ lạnh, tuy nhiên tủ lạnh công suất thấp hơn nên mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn”, TS Đinh Hoàng Bách, Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết.

“Máy lạnh là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28%-64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35-40oC, nhiều người có thói quen cài đặt máy lạnh tối đa 18oC thì mức tiêu thụ điện của máy lạnh có thể tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và cài máy lạnh ở mức 26oC. Điều đó dẫn đến tổng lượng điện năng tiêu thụ có thể tăng trên 200% so với các tháng trước đó, dẫn đến tăng tiền điện của hộ gia đình. Hiện nay, đang trong thời gian diễn ra giãn cách xã hội, người dân ở nhà nhiều, đông người, sẽ sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện, thiết bị làm mát, thiết bị giải trí… cùng với thời tiết nắng nóng sẽ làm tăng hóa đơn tiền điện. Vì thế, chúng tôi luôn khuyến cáo cài đặt máy lạnh ở 26oC để vừa đủ mát, sử dụng điện tiết kiệm, hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều máy lạnh để vừa giúp tiết kiệm điện, vừa hạn chế tăng chi phí tiền điện”, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM chia sẻ.

9 cách tiết kiệm điện hiệu quả cho những ngày làm việc tại nhà

1. Rút phích cắm ngay cả khi không sử dụng

2. Dùng quạt trần thay thế cho máy lạnh, máy quạt

3. Sử dụng đèn LED hoặc đèn huỳnh quang thay cho các thiết bị chiếu sáng

4. Mở rộng cửa sổ để sử dụng ánh sáng và luồng gió tự nhiên để tiết kiệm điện

5. Thay thế các thiết bị điện đã cũ

6. Gia giảm các thiết bị điện không nhất thiết phải dùng

7. Sử dụng các thiết bị điện thông minh để tiết kiệm điện

8. Sử dụng vòi sen và vặn nhỏ vòi nước sẽ giúp tiết kiệm điện

9. Tránh sử dụng điện trong khung giờ cao điểm: Khung giờ cao điểm trong ngày thường là 9 giờ 30, 11 giờ 30, 17 giờ, 20 giờ, bạn nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng lúc vào những khung giờ trên vì sử dụng nhiều điện chập chờn sẽ tốn năng lượng điện hơn.

Tin cùng chuyên mục