Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ LĐ thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ người thất nghiệp học nghề vẫn chưa mặn mà với học nghề.
Thờ ơ với học nghề
Tại Trung tâm GTVL TPHCM mặc dù đã được cán bộ tư vấn tận tình nhưng nhiều lao động khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, được giới thiệu hỗ trợ học nghề đều không mặn mà. Lý do họ đưa ra là cần tiền để trang trải cuộc sống, cùng với đó, mức hỗ trợ học nghề chỉ 300.000 đồng/tháng không đủ đóng học phí, không đủ bù đắp những chi phí phát sinh. Hơn nữa, với mức đóng BHTN dưới 36 tháng, chỉ được hưởng 3 tháng trợ cấp, nên có muốn học nghề cũng đành chịu, vì 3 tháng còn lại không biết lấy gì để sống. Chưa kể, muốn học sửa xe thì phải thực hành, trong khi giá xăng cao hay tiền mua nguyên liệu học nghề nấu ăn cũng đắt đỏ. Có nhiều nghề học phí cao như lái xe, người lao động phải đóng thêm tiền triệu mới đủ học phí. Do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có tích lũy nên khi thất nghiệp cần tìm việc ngay để trang trải cuộc sống, không quan tâm đến học nghề. Cũng do các doanh nghiệp chủ yếu là tuyển lao động phổ thông, nên dù người lao động đã qua đào tạo, doanh nghiệp chỉ trả lương như lao động phổ thông. Với tâm lý “có học cũng vẫn thế”, nên người thất nghiệp chọn phương án tìm việc làm ngay. Bản thân danh mục ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp ở một số cơ sở đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động càng khiến chính sách này không hấp dẫn.
Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM, khoảng 90% người đăng ký thất nghiệp là lao động phổ thông. Lực lượng này khi bị mất việc, cuộc sống sẽ rất khó khăn, cộng thêm việc trước đó không có tích lũy nên rất e dè học nghề, đầu tư kỹ năng làm việc. Ông Trần Xuân Hải cũng cho biết để giúp người thất nghiệp tiếp cận thông tin về học nghề, trung tâm đã phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp tại các văn phòng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn.
NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề được hỗ trợ học nghề thông qua các cơ sở dạy nghề chứ không được hỗ trợ bằng tiền để tự học nghề. Mức hỗ trợ học nghề bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về dạy nghề. Trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp thì phần vượt quá mức chi phí học nghề do NLĐ chi trả. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và từng NLĐ nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
Tăng thời gian và hỗ trợ
Nguyên nhân do NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông trong khi đó nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta rất lớn, nên NLĐ dễ tìm kiếm việc mới sau thất nghiệp. Bên cạnh đó, do thời gian học nghề theo quy định quá ngắn cộng với khoản tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng thấp nên đã không khiến NLĐ mặn mà với học nghề. Mới đây, để khuyến khích NLĐ học nghề sau thất nghiệp, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21-11-2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ- CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, mức hỗ trợ học nghề hàng cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cao hơn trước đây nhằm tạo điều kiện hơn nữa để NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề. Như vậy, hy vọng Nghị định mới này có hiệu lực vào ngày 15-1-2013, chắc chắn số lao động đăng ký học nghề sẽ tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ mong muốn tìm một việc làm tạm thời thay thế việc làm đã mất, người thất nghiệp không thể giải quyết căn cơ cuộc sống và rất dễ rơi vào thất nghiệp tiếp theo nếu doanh nghiệp có sự sàng lọc. Có thể nói, chính sách BHTN sau 3 năm đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực người lao động trong hoàn cảnh mất việc. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề, đó là giúp người lao động mất việc tái hòa nhập thị trường lao động bằng việc học nghề không thể thực hiện được nếu không có sự thay đổi. Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương ưu tiên và khuyến khích cho người lao động bị mất việc được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, để tự tạo việc làm cho mình. Quỹ quốc gia về việc làm cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để tạo thêm việc làm mới, góp phần giảm số lượng thất nghiệp mới.
Hiếu Nghĩa