Chiều 11-12-2016, trên đường Trần Não (quận 2), sau khi va quẹt xe máy, một nam thanh niên bị 4 người đuổi theo tấn công. Trong lúc ẩu đả, thanh niên này rút dao đâm chết 1 người, 3 người còn lại bị thương.
Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ án mạng có nguyên nhân bắt nguồn từ việc va chạm trên đường giao thông như vậy. Chỉ từ những va quẹt nhỏ, nhiều người nóng tính, nông nổi, không kiềm chế, đã trở thành tội phạm. Không chỉ những kẻ côn đồ hung hãn, trong số đó có cả những thanh niên có học thức. Người mất mạng, người vào tù, trong khi chỉ cần một lời xin lỗi, thái độ thiện chí nhận bồi thường, hoặc bỏ qua cho nhau, thì đã không đến nỗi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây hệ lụy lâu dài cho bản thân, gia đình và xã hội.
Con người ngày nay chịu sức ép rất lớn về thời gian, nhiều bức bối trong công việc, bị stress trong cuộc sống. Khi ra đường họ muốn đi một cách nhanh nhất để giải quyết công việc. Không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình, nên nếu va chạm giao thông khi đang bị căng thẳng áp lực sau một ngày làm việc mệt nhọc, họ sẵn sàng sừng sộ gây hấn, mắng chửi người lỡ va quẹt vào mình. Thực tế khi xảy ra va chạm giao thông, có nhiều người không muốn đối thoại, mà chỉ thích dùng bạo lực, dùng nắm đấm để “nói chuyện”.
Một trong những tiêu chí văn hóa giao thông là thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu là người bình tĩnh, có ý thức tuân thủ pháp luật, trưởng thành và mạnh mẽ trong suy nghĩ, sống có mục đích và có đạo đức, sẽ biết trân trọng cuộc sống của mình và người khác, với những chuyện nhỏ như va chạm trên đường, họ có thể giải quyết một cách êm đẹp. Những vụ án mạng đã xảy ra khi va chạm trên đường là những bài học cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Phải biết tự kiềm chế, hành xử đúng mực và có văn hóa khi tham gia giao thông, tránh để những chuyện đáng tiếc xảy ra.
TƯỜNG VI (quận 2, TPHCM)