Kiểm soát chặt kinh doanh hóa chất gây cháy nổ

Từ vụ một sinh viên mua hóa chất lưu huỳnh, magie… về chế tạo pháo, gây cháy nổ nhà trọ tại quận 10 (TPHCM) khiến 4 người tử vong, đã cảnh báo tình trạng tùy tiện mua bán các hóa chất gây cháy nổ, tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Nhiều bạn đọc đã lo lắng đề nghị phải kiểm soát chặt việc kinh doanh hóa chất gây cháy nổ.

Từ vụ một sinh viên mua hóa chất lưu huỳnh, magie… về chế tạo pháo, gây cháy nổ nhà trọ tại quận 10 (TPHCM) khiến 4 người tử vong, đã cảnh báo tình trạng tùy tiện mua bán các hóa chất gây cháy nổ, tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Nhiều bạn đọc đã lo lắng đề nghị phải kiểm soát chặt việc kinh doanh hóa chất gây cháy nổ.

  • Đùa với tử thần

Chất nổ tự chế đã và đang được một số người dân sử dụng để dùng trong việc đánh bắt cá, khai thác đá, gây hiệu ứng cháy nổ khi làm phim… Thậm chí một số thanh niên xem chất nổ tự chế như là trò chơi, đùa với tử thần, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ cháy nổ.

Rất dễ tìm thấy trên internet hàng loạt trang web hướng dẫn cách tự chế chất nổ từ các loại hóa chất có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng, công ty kinh doanh hóa chất và chợ trời. Trang web chỉ ra những địa điểm cụ thể mua các loại hóa chất để tạo ra chất nổ tự chế và hướng dẫn cặn kẽ cách trộn các vật liệu, hỗn hợp nổ, đặc biệt là các công thức pha chế tạo ra chất nổ (có kèm clip minh họa) cũng như đặc tính của từng loại thuốc nổ sau khi tạo thành. Thậm chí, nhiều website còn rao bán cả thuốc nổ, đăng cả những clip dạy cách làm thuốc nổ, hướng dẫn tỉ mỉ cách làm thuốc nổ theo từng mức độ công phá do chất nổ gây ra.

Theo đó, cần có 3 loại hóa chất, trong đó có kali clorat (KClO3 - hóa chất trong danh mục hạn chế kinh doanh). Nếu không tìm mua được KClO3 thì có thể mua các loại hóa chất khác thay thế tại các cửa hàng phân bón, cửa hàng dụng cụ trồng vườn.

Bên cạnh những tính năng không thể phủ nhận trong việc phục vụ sản xuất, các chất như amoni nitrat (NH4NO3), natri nitrat (NaNO3), kali clorat (KClO3)... còn được coi là những tiền chất thuốc nổ, nên Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ đã có quy định rõ việc kiểm soát chặt.

Thế nhưng, trên thực tế, việc tìm mua các hóa chất này vẫn rất dễ dàng và việc quản lý những mặt hàng này vẫn còn bất cập. Thật nguy hiểm khi trên mạng vẫn tồn tại những website hướng dẫn làm chất nổ tự chế với phương pháp “nghiệp dư” và thị trường vẫn công khai bày bán các tiền chất thuốc nổ.

PHAN CHÚC (quận Thủ Đức, TPHCM)

  • Xử phạt nghiêm vi phạm

Rõ ràng đang có những lỗ hổng trong nhận thức và quản lý hóa chất tại Việt Nam. Hiện nay, các loại hóa chất gây cháy nổ đang được bày bán tràn lan trên thị trường và không có cơ quan nào quản lý. Rất nhiều cửa hàng và doanh nghiệp tư nhân ở các khu chợ hóa chất bày bán thoải mái các chất phụ gia và hóa chất công nghiệp. Ai có nhu cầu mua bao nhiêu cũng có và mua với mục đích gì không cần biết.

Về nguyên tắc, hóa chất là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thế nhưng bất kỳ ai đăng ký kinh doanh đều được cấp phép. Theo thống kê, chỉ riêng trên địa bàn quận 5 (TPHCM), đang có đến 238 cơ sở đăng ký kinh doanh hóa chất, nhưng qua thực tế kiểm tra của quận, chỉ có 109 cơ sở kinh doanh tồn tại, vậy hơn 50% cơ sở còn lại khoác lớp áo kinh doanh hóa chất đang làm gì? Bất cập hơn, trong 109 cơ sở đó, có đến 17 hộ kinh doanh cá thể được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành hàng phụ gia thực phẩm. Thế nhưng trên thực tế các đơn vị này cũng không đủ điều kiện kinh doanh, do diện tích trưng bày nhỏ hẹp, không đảm bảo về điều kiện bảo quản sản phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc cấp phép và quản lý hóa chất lỏng lẻo đã vô tình tiếp tay cho những cơ sở kinh doanh tràn lan, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Để ngành hàng này đi vào quỹ đạo, cần nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng của hóa chất trong thị trường để định hướng về mặt quản lý.

Các ngành chức năng cần phải quan tâm siết chặt công tác quản lý, giám sát việc kinh doanh mua bán hóa chất gây cháy nổ. Theo đó, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công thương cần phải phối hợp rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ khâu nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất, dung môi nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm khi mua hóa chất gây cháy nổ sai mục đích, vì chỉ cần một sơ sẩy có thể ảnh hưởng tới tính mạng nhiều người. Việc buôn bán các loại hóa chất này lợi nhuận có thể thu được rất cao, trong khi mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng vẫn cứ bất chấp.

THANH ĐỨC (Bình Dương)

Tin cùng chuyên mục