Kiểm soát “đại dịch” súng đạn ở Mỹ

Chiều 8-4 (giờ địa phương), một vụ xả súng đã xảy ra tại một doanh nghiệp ở thị trấn Bryan, cách Houston, thành phố đông dân nhất ở bang Texas, khoảng 160km về phía Tây Bắc, khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người khác trong tình trạng nguy kịch. 
Người dân tham quan một nơi bán súng ở Mỹ
Người dân tham quan một nơi bán súng ở Mỹ

Nghi phạm đang bị tạm giữ tại sở cảnh sát thị trấn Bryan.

Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland công bố các biện pháp “có giới hạn” nhằm giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn - mà ông Biden nhấn mạnh là một “đại dịch” ở Mỹ.

Các biện pháp nói trên là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn. Nhà Trắng mô tả biện pháp này là bước đi đầu tiên nhằm hạn chế số lượng các vụ xả súng, tự sát và gây đổ máu trong cộng đồng.

Trước đó, để giải quyết tình trạng này, ngày 11-3, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua 2 dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua tại quốc gia này. Dự luật đầu tiên được thông qua với 227 phiếu ủng hộ và 203 phiếu chống, trong đó chỉ có 8 nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ.

Dự luật sẽ bịt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay thông qua việc mở rộng kiểm tra lý lịch đối với những người mua vũ khí qua Internet, tại các buổi triển lãm súng và thông qua một số giao dịch riêng nhất định. Dự luật thứ hai, nhận được 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống, sẽ cho phép các nhà chức trách có 10 ngày làm việc để hoàn thành việc kiểm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép cho hoạt động bán súng.

Tổng thống Biden cho biết ông cũng sẽ yêu cầu Cục Rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) công bố báo cáo thường niên về việc buôn bán súng ở Mỹ và hỗ trợ các bang thông qua “luật cờ đỏ” để kiểm soát lý lịch người mua súng.

Bạo lực súng đạn có chiều hướng gia tăng tại Mỹ trong một thập kỷ qua, trong đó nhiều vụ xả súng khiến nhiều người thiệt mạng. Gần đây nhất là các vụ xả súng hàng loạt ở Colorado, Georgia và California. Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm tại Mỹ có gần 40.000 người tử vong do súng đạn, trong đó 50% là các trường hợp tự sát. Theo nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu phi lợi nhuận RAND, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới và có tỷ lệ tử vong do súng luôn cao hơn những quốc gia phát triển khác. 

Phát biểu tại Vườn hồng, Tổng thống Biden nêu rõ: “Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp nhằm không chỉ đối phó với cuộc khủng hoảng súng đạn, mà thực sự còn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”, đồng thời đề cập đến vụ xả súng hàng loạt tại bang Nam Carolina trong tuần này.

Thế nhưng, để kiểm soát được “đại dịch” này là điều không đơn giản. Ở cấp độ liên bang, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này vẫn chưa có hồi kết do quyền sở hữu súng đã được quy định trong hiến pháp và sự vận động rất mạnh của các hiệp hội sản xuất vũ khí của Mỹ. Ở cấp độ tiểu bang, nhiều bang đã ban hành các quy định bổ sung như: nâng độ tuổi, bắt buộc kiểm tra nhân thân và tình trạng sức khỏe tâm thần của người sở hữu súng. Thực tế cho thấy thực trạng thiếu nhất quán giữa các bang đã và đang tạo ra những lỗ hổng khiến vấn đề kiểm soát súng đạn chưa hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục