Những chứng cứ, thông tin ban đầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Khê đã cho thấy nguyên nhân 16 xã ở huyện Hương Khê vừa bị ngập nặng, thiệt hại nặng nề một phần do việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình. Đây không phải là lần đầu xảy ra thiệt hại nghiêm trọng do việc vận hành công trình thủy điện. Trong những năm gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng các thủy điện khu vực miền Trung thiếu quy hoạch nên đã gây ra nhiều bất ổn như lũ và hạn hán. Mùa khô, hồ thủy điện tích nước nên vùng hạ du bị hạn hán nghiêm trọng. Mùa lũ, nước về nhiều, để tránh nguy cơ vỡ đập, hồ thủy điện xả nước ồ ạt khiến vùng hạ du bị ngập lũ.
Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân sống ở vùng hạ du
Đánh giá một cách công bằng, các hồ thủy điện cũng đã điều tiết nước lũ, xả nước chống hạn hán. Nhưng chỉ thực hiện được điều đó khi có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các đơn vị liên quan trong việc vận hành hồ thủy điện, lực lượng phòng chống thiên tai được tổ chức chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị tốt hơn. Thực tế tại khu vực miền Trung, nhiều công trình thủy điện có hồ chứa nhỏ, việc phối hợp vận hành chưa hiệu quả, nên đã có những bất ổn. Còn nhớ tháng 11-2013, 3 hồ chứa thủy điện trên địa bàn Quảng Nam xả lũ đã gây ra hệ lụy rất nặng nề. Tháng 8-2014, sự cố vỡ đê quai quanh thân đập thủy điện Ia Krel gây thiệt hại hàng trăm hécta trồng lúa, cao su, cà phê của người dân huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai)... Trước đây, lãnh đạo Bộ Công thương đã từng khẳng định luôn quan tâm và sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi vấn đề liên quan đến thủy điện, thế nhưng rất tiếc những hệ lụy từ các công trình thủy điện chưa được rút kinh nghiệm nghiêm túc để khắc phục, hạn chế tối đa những nguy cơ gây thiệt hại nhân mạng, sản xuất và đời sống.
Giờ đây, sau cơn lũ kinh hoàng vừa xảy ra, rất mong Bộ Công thương xem xét rõ việc thực hiện quy trình và ý thức trách nhiệm của những người phụ trách Nhà máy Thủy điện Hố Hô, tính toán kỹ mức độ tổn thất để bồi thường thỏa đáng cho nhân dân và địa phương. Điều quan trọng hơn nữa là cần kiểm tra, rà soát lại tất cả công trình thủy điện trên cả nước, công trình nào không đảm bảo an toàn, đập yếu, vận hành có bất ổn, thiếu sự phối hợp đồng bộ... phải chấn chỉnh ngay, thậm chí không duy trì hoạt động. Nguyên tắc xả lũ là phải hạn chế tối đa thiệt hại nhân mạng và tài sản nhân dân vùng hạ du, phải thông báo trước 2 ngày cho địa phương, có văn bản nêu rõ mức xả, không thể biện hộ cho việc vì đập không đủ sức chịu được mực nước dâng nhanh mà phải đột ngột xả lũ khiến dân không kịp trở tay.
NGUYỄN MINH THẢO
(quận 8, TPHCM)