Kiện tướng vùng rau sạch

Cầm trên tay những nhánh lan Mokara đủ sắc màu, ông Kiều Công Hầu, chủ một vườn lan xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM), khoe với chúng tôi: “Lan nông nghiệp công nghệ cao đấy. Nhờ giống lan này mà những năm qua nhiều nông dân vùng ngoại thành giàu lên”…
Kiện tướng vùng rau sạch

Cầm trên tay những nhánh lan Mokara đủ sắc màu, ông Kiều Công Hầu, chủ một vườn lan xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM), khoe với chúng tôi: “Lan nông nghiệp công nghệ cao đấy. Nhờ giống lan này mà những năm qua nhiều nông dân vùng ngoại thành giàu lên”…

Lật giở bản báo cáo thành tích của các cá nhân tham gia Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2016, chúng tôi bất ngờ khi thấy tác giả của giống lan triệu phú nói trên chính là Thạc sĩ Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Có được giống lan quý này là cả một quá trình chị và các đồng nghiệp của mình nghiên cứu, thử nghiệm từ phòng thí nghiệm đến thực tế, lai tạo, sản xuất quy mô lớn, rồi đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên để chuyển giao cho nhiều địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp…

Thế nhưng, khi gặp chúng tôi, chị lại lái sang chuyện trồng rau sạch rồi hồ hởi kể ra nhiều loại rau, quả có trên bàn ăn của hàng vạn gia đình TP hàng ngày. Đầu tiên, chị kể về giống ớt cay có sức tiêu thụ rất lớn tại các chợ, nhưng hơn 5 năm trước đáp ứng không nổi vì năng suất thấp, sâu bệnh, nhất là vào mùa mưa. Để chống lại sâu bệnh, người trồng phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật nên đã làm mất an toàn thực phẩm. Giải pháp mà chị nghiên cứu và đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên là “Quy trình trồng ớt cay an toàn Global GAP” được áp dụng nghiêm ngặt từ nhà màng phù hợp, chọn giống theo yêu cầu thị trường, đến kỹ thuật trồng trên giá và cung cấp dinh dưỡng, nước qua hệ thống tưới nhỏ giọt… Điểm đặc biệt ở quy trình này còn là biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trong điều kiện nhà màng, làm cho sâu bệnh không có môi trường phát sinh và người trồng không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nói về hiệu quả mang lại từ công trình đầu tay này, chị Nguyễn Thị Huệ nhẩm tính với chúng tôi: “Giá trị đạt từ 28 - 30 triệu đồng/1.000m², nhân cho 1ha trong một năm (2 vụ) sẽ là 600 triệu đồng. Tính chung, sản lượng và giá trị cao gấp 3 lần so với kỹ thuật canh tác ngoài đồng ruộng. Hiện quy trình này được chuyển giao cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp của TPHCM và một số tỉnh, bảo đảm về sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường EU như Hà Lan, Thụy Sĩ…”.

Chị Nguyễn Thị Huệ bên giống lan Mokara

Cũng trong lĩnh vực sản xuất, đào tạo và chuyển giao, những năm qua chị Huệ đã nhận sản xuất thử nghiệm và trình diễn mô hình các loại rau ăn lá, rau ăn quả, hoa lan, cây kiểng, một số loại cây ăn quả theo hướng an toàn và sản lượng, chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu thị trường. Trong đó, hiệu quả đạt cao và bền vững nhất có thể kể đến cải xanh, rau muống, xà lách, cà chua…, không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGap mà còn cho năng suất kỷ lục với 3kg rau/m² đất trồng và 80 tấn cà chua/ha/vụ (cao gấp 3 lần so với sản xuất bình thường).

Liên tiếp trong các năm từ 2012 đến nay, năm nào chị Huệ cũng là chủ đề tài của nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng từ sản xuất, đào tạo đến chuyển giao, đưa sản lượng trồng và cung cấp giống cho các đơn vị sản xuất có năm đạt 130.984 giống lan các loại và gần 200.000 cây ớt, cà tím, bí… Trong phong trào thi đua sáng kiến, chị Huệ cũng được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tôn vinh là kiện tướng với hàng chục công trình mang lại giá trị cao. Điển hình là “Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới”, “Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Mokara hậu cấy mô”, “Sản xuất hoa lan Dendrobium theo quy mô công nghiệp”… Trong đó, hiệu quả thấy rõ nhất của công trình lan Mokara hậu cấy mô được tính trên diện tích 300m², trồng 20.000 cây, mỗi năm đạt doanh thu 113 triệu đồng (lợi nhuận 68 triệu đồng). Sáng kiến này đã trở thành mô hình điểm chuyển giao đến nhiều địa phương trong cả nước, giúp cho hàng ngàn nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú và có cuộc sống khá giả. Nói về những công trình, sáng kiến của mình đã và đang thực hiện từ đầu năm đến nay, chị Huệ nhẩm tính có gần 20 đề tài trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, kỹ thuật trồng trọt, chọn tạo giống, dược liệu, khảo nghiệm giống, phân bón…

Ở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chị Huệ còn là “cây” phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi và cán bộ công đoàn giỏi về nhiều mặt. Với thành tích đáng nể trên, liên tiếp từ năm 2011 đến nay, chị được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu thi đua, trong đó danh hiệu Chiến sĩ thi đua TPHCM.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục