Bộ GTVT và Bộ Công an vừa tổ chức triển khai Công điện 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Câu chuyện về xe chở quá tải trọng đường bộ đang là vấn đề rất nan giải. Lâu nay cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ chưa có cách gì để ngăn chặn triệt để tình trạng xe chở quá tải trên đường. Trong khi chủ xe, tài xế thì than trời vì liên tục bị thổi phạt khi đưa xe ra đường làm ăn, do chở quá tải đến mức phải xin được đóng loại phí lạ đời là phí chở quá tải.
Xét về góc độ pháp luật, xe chở quá tải bị phạt là đúng. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ các công trình giao thông và an toàn giao thông. Nhưng nhìn về góc độ hiện thực, lại cho thấy đang tồn tại những bất cập trong quy định tải trọng cầu đường, thậm chí còn có cả sự lạc hậu, rối rắm trong xây dựng cầu đường, đi ngược với sự phát triển. Thông tư 07/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT năm 2010 quy định mức tối đa để tổng tải trọng một xe lưu thông trên đường giao thông không quá 45 tấn (thường là từ 40 tấn trở xuống), xe nào chở vượt hơn trọng tải này (xe siêu trường, siêu trọng) phải nhọc nhằn đi xin giấy phép lưu hành xe quá tải trọng.
Có những xe tải nhập vào nước ta có tải trọng cho phép theo tiêu chuẩn quốc tế tới 50 tấn, nhưng không thể chở theo đúng tải trọng, bởi vướng về quy định trọng tải đối với đường bộ ở ta. Đúng là với hệ thống kết cấu cầu đường được xây dựng trong nước như hiện nay chẳng có con đường nào chịu tải, gồng gánh nổi những chiếc xe trên 40 tấn. Đường sá nước ta nhỏ bé, sức chịu tải kém. Bây giờ mà còn có những con đường thiết kế tải trọng cho phép chỉ 5 tấn, 8 tấn, 10 tấn, 13 tấn là thật lạc hậu. Rồi có cả chuyện đường quy định tải trọng lớn, nhưng cầu quy định tải trọng nhỏ, hết sức nghịch lý khiến nhiều xe bị phạt oan. Giới hạn tải trọng đối với cầu nhiều nhất cũng chỉ dừng lại ở 30 tấn, trong khi tải trọng đường trên cùng tuyến có lúc cho phép xe 40 tấn lưu thông. Xe đi trên đường bộ cho phép tải trọng 40 tấn, nhưng những khi qua cầu cũng trên con đường ấy lại giới hạn dưới 30 tấn thì đi bằng kiểu gì? Vậy mà những bất cập, lạc hậu ấy đến nay vẫn còn.
Cùng với việc phạt nặng các xe chở quá tải trên đường với mục đích “bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông” cũng cần phải tính toán đến vấn đề về sức ép lưu thông hàng hóa hiện nay trên các tuyến giao thông. Nhiều tài xế, chủ xe khóc ròng khi bị phạt lỗi chở quá tải. Ai cũng nói, với chi phí quá đắt đỏ cho một chuyến xe chở hàng như hiện nay, nếu chấp hành đúng tải trọng khi đi trên đường, thì không cách nào sống nổi, thua lỗ nặng. Họ tha thiết đề nghị nên thiết kế xây dựng nâng tải trọng cầu đường lên phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế. Chủ xe, tài xế nói không sai, kiến nghị cũng đúng. Vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ bây giờ không như vài chục năm trước, vậy mà vẫn cứ làm ra những con đường chỉ giới hạn trọng tải cầu đường bé tí tẹo, thụt lùi so với các nước. Đây đang là “chiếc áo chật chội” và chiếc áo ấy đang bị rách rất nhanh bằng những xe vận chuyển tải trọng lớn. Chiếc áo ấy không được thay thế bằng chiếc áo mới, nên xe chở quá tải vẫn tìm đủ cách trốn tránh, lách luật.
Thực tế cho thấy, không thể giữ nguyên quy định trọng tải cầu đường cũ rích như lâu nay. Song muốn nâng trọng tải cầu đường lên thì phải tính toán đến việc đầu tư mới hoặc nâng cấp những con đường chịu được tải trọng lớn theo chuẩn quốc tế, chứ không nên tiếp tục làm ra những con đường chịu tải thấp rồi dân khổ, nhà nước cũng khổ. Khi vấn đề này được giải quyết, chuyện xe chở quá tải mới giảm và đường cũng không bị cày nát. Thêm nữa, chuyện các doanh nghiệp vận tải xin đóng phí để được chở quá tải hoàn toàn không phải là cách hay ho gì khi chưa xử lý tận gốc những lạc hậu về tải trọng cầu đường.
VÕ MINH HUY