Làm gì để chống nạn trộm nghêu?

Ngày càng nghiêm trọng
Làm gì để chống nạn trộm nghêu?

LTS: Trong vài năm gần đây, ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, nạn cướp nghêu khá lộng hành - người dân gọi là nạn “nghêu tặc”. Hàng ngàn người đồng loạt tấn công các bãi nuôi nghêu giống và nghêu thương phẩm, dùng máy hút công suất lớn để cướp nghêu, gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của nghêu và tận diệt nghêu giống. Kỹ sư Nguyễn Văn Thước (Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Cà Mau) có bài viết nêu ý kiến về vấn đề này.

Khai thác nghêu giống ở Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí

Khai thác nghêu giống ở Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí

Ngày càng nghiêm trọng

Nạn “nghêu tặc” lộng hành, gây thiệt hại nặng nề cho các bãi nghêu nuôi và nguồn nghêu giống tự nhiên ở các vùng bãi ven biển ĐBSCL, gây dư luận bức xúc cho người nuôi nghêu, là sự thách thức đối với chính quyền và công an các địa phương. Thực trạng này cũng cho thấy tiềm năng nguồn gien quý hiếm có giá trị kinh tế cao ngoài thiên nhiên có thể thuần dưỡng, khai thác chuyển thành giống cây trồng, vật nuôi từ rừng biển ở nước ta rất phong phú, nhưng chưa được khoanh nuôi, bảo vệ, khai thác tốt và cũng chưa có giải pháp bảo tồn an toàn, nên rất dễ bị xâm hại, tổn thương, dẫn đến cạn kiệt nhanh.

Mới đây, một số tỉnh ĐBSCL đã tổ chức họp các ngành, bàn giải pháp quản lý, bảo vệ tốt các nguồn lợi thủy sản ven biển. Đây là hướng đi tích cực và thiết thực, nghiên cứu tìm giải pháp bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng biển trước nạn trộm cướp tài nguyên “mang tính tập thể” đang có chiều hướng phát triển và sẵn sàng manh động, rất khó đối phó.

Bởi những kẻ trộm cướp này không chỉ hoạt động lẻ tẻ ở một vài nơi như Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau…, hay đào sâm đất ở các rừng phòng hộ ven biển…, mà chúng tụ tập đông người ở bất cứ nơi đâu để khai thác bất cứ thứ gì có thể mang về cho chúng những mối lợi, bất kể thứ đó đã có chủ quản lý hay được người khác nuôi trồng, bảo vệ. Chúng sẵn sàng dùng số đông để uy hiếp, chống trả khổ chủ và cả ngành chức năng địa phương.

Vì thế nếu không có bước chuẩn bị trước về mặt pháp lý, không có sẵn phương tiện, công cụ và lực lượng tại chỗ để hỗ trợ kịp thời, để dùng sức mạnh cộng đồng hợp pháp ngăn chặn, sẽ khó bảo vệ được người tốt và các nguồn tài nguyên của đất nước.

Các hình thức manh động khai thác tập thể tài nguyên thiên nhiên rừng, biển trong những năm gần đây đã thành vấn nạn ngày càng nghiêm trọng. Dù các địa phương đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, nhưng xem ra chưa đủ sức tạo được nền nếp, tình hình ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp và rối rắm, khó xử lý hơn.

Củng cố lực lượng và cơ sở pháp lý

Tại các bãi nuôi nghêu, tuy có hình thành các hợp tác xã nuôi, nhưng còn hoạt động riêng lẻ, các hợp tác xã không có sự liên kết hỗ trợ nhau kịp thời khi cần để cùng bảo vệ lợi ích chung. Cũng có địa phương không quản lý nổi, vẫn cứ để dân khai thác tự do, không tổ chức thành hội đoàn, không phân chia vùng hưởng lợi riêng và vùng cần bảo vệ chung để tái tạo nguồn nghêu giống, thế nên mạnh ai nấy ra sức tìm bắt nghêu giống, bất kể kích cỡ, mùa vụ nào cũng bắt và không chừa vùng tái tạo giống.

Cứ đà này thì chẳng bao lâu sẽ không còn gì để mọi người khai thác. Nếu không có giải pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp, không những mất nguồn tài nguyên quý giá là nghêu giống, mà tình hình an ninh trật tự xã hội ở các vùng nghêu sẽ càng phức tạp và nan giải.

Thiết nghĩ, giải pháp cấp bách nhất là tập hợp những người dân tại địa phương sống nhờ nguồn lợi nghêu giống từ bãi bồi, tổ chức thành tổ, nhóm để hỗ trợ cho các hợp tác xã, có phân chia vùng cho họ quản lý riêng phù hợp theo từng nhóm và vùng cùng bảo vệ chung để bảo tồn giống. Rồi hướng dẫn kỹ thuật bảo tồn, bảo vệ, khai thác hợp lý cho mọi người. Làm được như vậy sẽ quản lý, phát triển bãi nghêu giống tốt hơn, nghêu nuôi bớt bị mất cắp, sẽ không thất thu thuế tài nguyên, mà nguồn giống nghêu tự nhiên vùng cần bảo tồn để tái tạo giống cũng sẽ bớt bị xâm hại, không bị khai thác cạn kiệt.

Để khắc chế, chống lại những nhóm người trộm cướp nghêu từ nơi khác đến, cách tốt nhất là tập hợp những người tốt, người tích cực, người có lợi ích chung tại chỗ thành tổ chức phù hợp, được sự lãnh đạo đúng, hỗ trợ kịp thời từ cơ quan công quyền để giám sát, ngăn chặn. Tức là dùng sức mạnh tập thể tích cực, cho họ có cơ sở pháp lý về quyền lợi và sự hỗ trợ thích hợp, kịp thời và hữu hiệu chống lại hành vi manh động của cá nhân hay nhóm người vô tổ chức từ nơi khác đến xâm hại.

Phải chuẩn bị lực lượng và cơ sở pháp lý thông thoáng để quản lý khai thác hữu hiệu, tạo thêm sức mạnh cho các hợp tác xã nuôi nghêu các tỉnh, giúp họ có điều kiện chung sức với những người lương thiện có quyền lợi hợp pháp trên các bãi bồi để cùng bảo vệ “nồi cơm” được an toàn trước nạn “nghêu tặc” đe dọa xâm hại đến từ nơi khác.

KS Nguyễn Văn Thước

Tin cùng chuyên mục