Làm gì thì làm, lợi ích quốc gia vẫn phải đặt trên hết

Đây là khẳng định của đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại hai buổi tiếp xúc cử tri quận 5 và quận 10 (TPHCM) sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào sáng và chiều 21-6.

Cùng tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận 5, quận 10 có các đại biểu Quốc hội: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Phạm Phú Quốc, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Tại hai buổi tiếp xúc, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri là việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, đồng thời hoãn thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu thêm ý kiến xây dựng.

Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về Luật Đặc khu và những lợi ích khi ban hành luật để tạo được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động lôi kéo người dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cử tri Nguyễn Đức Vĩnh (phường 12, quận 10) nói: “Luật được ban hành nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân, bảo vệ an ninh quốc phòng. Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia được thì kinh tế mới có thể phát triển”.

Còn cử tri Nguyễn Văn Hồng (phường 11, quận 5) đánh giá: “Quốc hội có vẻ quá vội vàng xây dựng Luật Đặc khu khi thực tiễn chưa thật sự cần. Tại sao không dành thời gian để hoàn thành các dự luật khác cấp thiết hơn?”.

Một số cử tri khác cho rằng Quốc hội cần lấy thêm ý kiến của người dân về xây dựng dự án Luật Đặc khu để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Làm gì thì làm, lợi ích quốc gia vẫn phải đặt trên hết ảnh 1 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí  (trái) tiếp xúc cử tri quận 5. Ảnh: QUANG HUY
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị các cơ quan hữu quan vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý đất đai; công khai kết quả xử lý để tạo hiệu ứng tích cực cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời đem lại sự an tâm cho người dân. Cử tri Vũ Thanh Huân (phường 5, quận 10) đề nghị cần có đợt tổng kiểm tra việc quản lý tài nguyên môi trường, đất đai trong cả nước.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp cử tri quận 5 và quận 10, đồng thời trả lời một số nội dung cử tri đặt ra.

Theo đồng chí Lê Minh Trí, Luật An ninh mạng là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Luật được thông qua sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững của không gian mạng tại Việt Nam. Đây là công cụ quản lý hữu hiệu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và Nhà nước chứ không xâm phạm đời tư cá nhân như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư hướng dẫn) để đưa Luật An ninh mạng vào thực tiễn theo tinh thần nói trên.

Về ý kiến của cử tri Vũ Thanh Huân, đồng chí cho biết tổng kiểm tra việc quản lý đất đai nằm trong nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Trong quá trình thanh tra, kết luận đến đâu sẽ xử lý sai phạm đến đó, tùy theo mức độ hậu quả do hành vi gây ra.

Làm gì thì làm, lợi ích quốc gia vẫn phải đặt trên hết ảnh 2 Đồng chí Lê Minh Trí trao đổi với cử tri quận 10. Ảnh: ÁI CHÂN
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định việc Quốc hội hoãn thông qua dự thảo Luật Đặc khu thể hiện sự thận trọng và tinh thần làm việc nghiêm túc, cầu thị của Quốc hội khóa XIV đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia. Điều này cũng phần nào thể hiện những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân mà các cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm điều chỉnh.
Giải thích sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Đặc khu, đồng chí Lê Minh Trí cho biết: nhiều năm qua Việt Nam đã nghiên cứu một số mô hình như khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao, khu chế xuất… nhưng nền kinh tế phát triển chưa đáp ứng được như kỳ vọng bởi hệ thống luật pháp chưa thống nhất, có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố như nhân công giá rẻ không còn là ưu thế cạnh tranh, Việt Nam cần nghiên cứu, có mô hình mới phù hợp hơn mà đặc khu kinh tế là một ví dụ.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cũng giải thích đến các cử tri một số quy định trong dự thảo Luật Đặc khu, theo đó đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia.
Đồng chí phát biểu nhấn mạnh: “Xây dựng Luật Đặc khu đối diện với bài toán khó phải lựa chọn giữa chủ quyền quốc gia và áp lực phát triển kinh tế. Chủ quyền quốc gia không thể xem nhẹ nhưng cũng không thể không phát triển kinh tế, tuy nhiên bà con cử tri hoàn toàn có thể yên tâm vì cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu toàn diện các kinh nghiệm thành công và thất bại của mô hình này để đưa ra Quốc hội bàn bạc, quyết định trong thời gian sắp tới. Chắc chắn, làm gì thì làm, lợi ích quốc gia vẫn phải đặt trên hết!”.

Tin cùng chuyên mục