Làm mới để thu hút FDI

Thời gian gần đây vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở nên nóng bỏng với câu chuyện về thuế tối thiểu toàn cầu. Việc áp thuế này với mức 15% sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ để thu hút FDI.

Bởi lúc này, ưu đãi về thuế không còn là lợi thế để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn “xuống tiền” ở một quốc gia; các quốc gia cũng buộc phải có các chính sách, có yếu tố khác biệt để thu hút đầu tư.

TPHCM cũng không phải ngoại lệ, luôn trăn trở và tìm cách làm mới mình trong cuộc đua thu hút FDI. Mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT cùng với Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư lấy ý kiến để khẩn trương hoàn thiện đề án “Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030”.

Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM tại TP Thủ Đức
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM tại TP Thủ Đức

Điều này là hết sức cần thiết, cấp bách vì tầm mức quan trọng của FDI đối với TPHCM. Thống kê cho thấy, những năm qua TPHCM luôn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Riêng năm 2022, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, bao gồm vốn cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. Theo Cục Thống kê TPHCM, FDI chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại TP; thu ngân sách từ khu vực này năm 2022 đạt hơn 78.000 tỷ đồng, chiếm 17,07% tổng thu ngân sách TP; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, chiếm 61% kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.

Dù vậy, dòng vốn FDI vào TPHCM 4 tháng đầu năm nay giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn này được dự báo còn tiếp diễn, bởi vì kinh tế toàn cầu suy thoái, khiến dòng vốn FDI chững lại. Trong bối cảnh đó, TPHCM phải chuẩn bị những gì để giữ chân và tiếp tục đón thêm các nhà đầu tư mới? Trong buổi tọa đàm tổ chức mới đây tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về thu hút FDI, các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, thành phố phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xác định thế mạnh để tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại. Các hạn chế phải khắc phục là gấp rút nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng tính kết nối cho TPHCM cũng như khu vực; có giải pháp cắt giảm chi phí nhà đất. Đối với hạ tầng số, cần được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Đầu tư, cải thiện trình độ cho nguồn nhân lực là việc phải thường xuyên thực hiện. Về chính sách, cần minh bạch, rõ ràng, ít thay đổi và có thể dự báo được.

Bên cạnh việc tự làm mới mình thì TPHCM cũng cần thẳng thắn “đòi hỏi” rõ ràng hơn từ khối FDI. Sở KH-ĐT TPHCM phân tích, 85% số doanh nghiệp FDI là 100% vốn nước ngoài nhưng việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Sản xuất điện thoại dù xuất khẩu 100% nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ 20%-25%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc, Thái Lan lên đến 75%. Đáng lo ngại, doanh nghiệp Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI. Các dự án FDI vốn lớn rất ít, chủ yếu vẫn là dự án gia công nhỏ lẻ. Một số dự án FDI hoạt động còn có những hạn chế, ảnh hưởng xấu đến môi trường, chuyển giao máy móc lạc hậu… Thực tế này cho thấy, dù rất mong đợi nhưng chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo, không thu hút FDI bằng mọi giá. Một hệ thống tiêu chí thu hút FDI rõ ràng, có lộ trình sẽ có lợi cho cả đôi bên. Những điều này cần được bổ sung vào đề án đã nói ở trên.

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và cả nước, TPHCM lại có tăng trưởng thấp, việc đổi mới để thu hút dòng vốn FDI sẽ là một trong những giải pháp góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng trước mắt và ổn định dài hạn. Xác định rõ những điểm yếu để khắc phục, đồng thời biết rõ thế mạnh của mình để chọn lọc nhà đầu tư, bắt buộc nhà đầu tư thực hiện theo “đề bài” mà TPHCM đưa ra là hết sức cần thiết. Ắt hẳn, điều mong muốn lớn nhất, nhờ có FDI thì điều chúng ta nhận được không chỉ là tiền lương hay thuế, mà thông qua đó được tiếp cận nhanh với nền khoa học tiên tiến của thế giới, dần dà có thể tự chủ xây dựng được nền công nghiệp hiện đại, nở hoa trên chính quê hương mình.

Tin cùng chuyên mục