Làm rõ vụ người cự cãi với CSGT bị đánh chết

TAND quận Tân Phú (TPHCM) vừa yêu cầu trả hồ sơ vụ án anh Trần Văn Hiền bị đánh chết sau khi cự cãi với tổ CSGT để điều tra bổ sung, làm rõ có hay không việc các CSGT này chỉ đạo hung thủ đánh người. Điều này được dư luận đồng tình, vì đây là yêu cầu chính đáng, bởi khó tin rằng hành vi côn đồ của các bị cáo là do tự phát, trong khi thực tế họ không hề liên quan gì đến vụ việc căng thẳng giữa CSGT và anh Hiền.

Vì có hơi men trong người nên khi bị CSGT xử phạt, anh Hiền nóng nảy cự cãi với tổ CSGT, sau đó anh Hiền đón xe ôm về, nhưng vừa đi được 300m thì bị Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng đuổi theo đánh chết. Bị cáo Bằng có garage gần nơi tổ CSGT đứng chốt. Thế nhưng, cơ quan điều tra chỉ truy tố đối với Bằng và Tòng mà không làm rõ mối quan hệ giữa các CSGT với 2 tên này. Nghe qua diễn biến vụ việc, bất cứ ai cũng đặt câu hỏi về vai trò của CSGT trong vụ án. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, cả công an, viện kiểm sát đều dễ dàng tin lời khai của hai bị cáo là “chỉ do thấy chuyện bất bình nên ra tay”, rồi đánh đập anh Hiền đến chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Để rồi ngay cả việc tạm giữ các tang vật là điện thoại di động của các bị cáo và của nhóm CSGT cũng bị điều tra viên “bỏ quên”! Trong khi đó, nếu ngay từ đầu, điều tra viên chỉ cần thu giữ điện thoại di động, trích lục các cuộc gọi, tin nhắn của những người liên quan thì phần nào cũng làm sáng tỏ được vấn đề. Một khâu điều tra đơn giản có thể trả lời câu hỏi có hay không sự chỉ đạo từ phía tổ CSGT để Tòng và Bằng đánh anh Hiền, vậy mà điều tra viên bỏ qua, quả là khó chấp nhận. Đến giờ, chắc hẳn việc điều tra bổ sung sẽ khó khăn hơn, nhất là nếu các đối tượng này dùng số điện thoại phụ để nhắn, gọi cho nhau.

Cán bộ điều tra, kiểm sát viên là người có chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động điều tra, thế mà vì sao lại bỏ qua những điểm mấu chốt của vụ án? Cần phải xem lại trách nhiệm của những cá nhân và cơ quan này.

NGUYỄN TRÚC LINH (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục