Phó Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng TPHCM ĐỖ VĂN ĐẠO:

Làm tốt công việc hàng ngày chính là thi đua yêu nước

ảnh
Làm tốt công việc hàng ngày chính là thi đua yêu nước

Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố mang tên Bác đồng thời cũng được mang nhiều danh hiệu cao quý: “Thành phố anh hùng”, “Thành phố cùng cả nước, vì cả nước”, “Thành phố đi trước về trước”… Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2008) và kỷ niệm Ngày truyền thống thi đua yêu nước 11-6, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đỗ Văn Đạo (ảnh), Phó Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng TPHCM, về tác động tích cực của các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, đời sống trên địa bàn TP thời gian qua.

- PV: Thưa ông, phong trào thi đua yêu nước của TPHCM được đánh giá là khá nổi bật và hiệu quả so với các địa phương trong cả nước. Ông có thể cho biết điều gì đã tạo nên nét đặc trưng của TP mang tên Bác?

Làm tốt công việc hàng ngày chính là thi đua yêu nước ảnh 1

Ông ĐỖ VĂN ĐẠO: TPHCM vốn có truyền thống năng động, sáng tạo nên các phong trào thi đua cũng có nét đặc trưng riêng mang tính kế thừa và tiếp nối rất mạnh mẽ. TP có nhiều phong trào thi đua đi đầu, mà từ đó đã được nhân rộng cả nước, như: khai hoang cải tạo vùng đất phèn hoang hóa Tây Nam TP, phủ xanh “vùng đất chết” duyên hải Cần Giờ; xây dựng nhà tình nghĩa “trở về điểm hẹn”, xóa nhà tranh tre nứa 1á, xóa đói giảm nghèo, thanh niên tình nguyện, phong trào 3 giảm… Các phong trào này đều xuất phát từ thực tiễn xã hội, và thông qua phong trào đã góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khó khăn phức tạp của cuộc sống. Ngoài ra, các đợt thi đua yêu nước còn vận động, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia tạo nên sức mạnh tổng hợp để từ đó góp phần thúc đẩy TP ngày càng đi lên.

- Đó là những thành tựu đáng ghi nhận. Thế nhưng, thưa ông, trong thực tế vẫn còn tình trạng thi đua hình thức, thi đua “phong trào”, lấy thành tích, khen thưởng làm kết quả, mục đích? Các địa phương trên địa bàn TPHCM có tình trạng đó không?

Thi đua là nhằm tổ chức, phát động, kêu gọi để mọi người tham gia giải quyết tốt hơn, hiệu quả hơn các vấn đề thiết thực trong cuộc sống đối với mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, địa phương. Bác Hồ đã từng đề cập rất cụ thể đến thi đua, đó chính là làm tốt công việc hàng ngày của mình. Nếu đã hiểu đúng thi đua nghĩa là như vậy thì chắc chắn sẽ có các hình thức tổ chức phong trào thi đua phù hợp. Từ các phong trào thi đua, đã phát hiện ra các tổ chức, các nhân tích cực, điển hình để có thể ghi nhận và khen thưởng động viên. Biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm kích thích tinh thần thi đua. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có nơi chỉ chú ý về khen thưởng, thậm chí “chạy” khen thưởng. Đó là cá nhân, tập thể, đơn vị mắc “bệnh” thành tích. Công tác thi đua khen thưởng của TPHCM thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung, nhưng vẫn còn phải rút kinh nghiệm, cần phải thay đổi nhiều trong thời gian tới.

- Ngày 11-6 hàng năm là ngày truyền thống thi đua yêu nước. Có phải đến ngày này, chúng ta mới nói đến “thi đua”…?

Dù ngày 11-6 thành ngày truyền thống cho công tác thi đua khen thưởng nhưng để không phải chỉ ngày 11-6 mà thực chất, các đơn vị, cá nhân phải hiểu làm tốt công việc hàng ngày chính là nền tảng của phong trào thi đua. Mỗi ngành mỗi cấp phải suy nghĩ và giải quyết cho rốt ráo các vấn đề còn bức xúc của ngành mình để làm tốt hơn nhiệm vụ phục vụ người dân.

Hiệp - Thảo ghi

Tin cùng chuyên mục