Làm từ thiện ảo - Đáng lên án

Theo Hội Chữ thập đỏ TPHCM, hội chỉ mới nhận được 100 triệu đồng trong tổng số đăng ký 75 tỷ đồng quyên góp từ thiện trong đêm hội “Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”, diễn ra vào tối 11-11.

Theo Hội Chữ thập đỏ TPHCM, hội chỉ mới nhận được 100 triệu đồng trong tổng số đăng ký 75 tỷ đồng quyên góp từ thiện trong đêm hội “Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”, diễn ra vào tối 11-11.

Sau đêm hội này, 4 vật phẩm được đem đấu giá từ thiện được 74 tỷ đồng đều không có người nhận, trong đó có đến 3 số điện thoại trúng đấu giá vật phẩm như trống đồng, bức tranh đá quý và các khối ruby đều là số ảo. Còn lại, bộ “Tứ linh hội tụ” được một công ty gốm sứ (Gia Lâm - Hà Nội) trúng đấu giá nhưng lại từ chối mua vì lý do khó thuyết phục (!?).

Ngoài ra, nhiều đơn vị, cá nhân cũng nhiệt tình hứa ủng hộ trong đêm hội nhưng sau đó… im hơi lặng tiếng, hoặc giảm lời hứa xuống còn một nửa. Vì thế, đến nay hội chỉ mới nhận được vỏn vẹn 100 triệu đồng từ Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Thế nhưng, câu chuyện buồn xung quanh những việc làm từ thiện ảo đâu phải chỉ xảy ra ở Hội Chữ thập đỏ TP. Có nhiều đơn vị tổ chức các chương trình từ thiện hoặc ca nhạc kết hợp với từ thiện, trong đó có các cơ quan báo, đài từ TP đến các địa phương, cũng từng “ngậm bồ hòn” khi gặp phải những hành động làm từ thiện ảo, “thùng rỗng kêu to” hoặc nơi đóng góp là địa chỉ, điện thoại ma…

Đằng sau những con số thành công của các chương trình xã hội từ thiện, hướng về đồng bào miền Trung bị bão lũ vừa qua có bao nhiêu phần trăm là kết quả ảo hoặc khó thu được tiền của các nhà hảo tâm như đã hứa? Một cán bộ phụ trách công tác từ thiện của một tờ báo lớn ở TPHCM tâm sự rằng, vì muốn đánh bóng tên tuổi của mình, có không ít cá nhân, doanh nghiệp đã hào phóng hứa đóng góp số tiền lớn để quay phim, chụp hình nhưng sau đó tìm cách quên hoặc trì hoãn thực hiện lời hứa vì người nghèo của mình. Đó là chưa kể có nhiều chương trình tổ chức với mục đích từ thiện nhưng chưa thể hiện đúng mục đích hoặc sử dụng cả chiêu thức “mồi” - quyên góp bằng cách mời vài đơn vị, cá nhân lên ủng hộ số tiền lớn nhưng kết quả đó chỉ dừng ở trên tấm bảng.

Cách làm từ thiện theo kiểu phong trào, phô trương, không đúng thực chất này thật đáng phê phán. Làm từ thiện là tự nguyện, xuất phát từ cái tâm hướng thiện, chia sẻ nỗi đau, nỗi bất hạnh của đồng bào, nhân loại đang gặp khốn khó. Vì thế, những ai mượn danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình thì thật đáng lên án. Từ thực tế này, các đơn vị làm từ thiện hãy cảnh giác với những cá nhân, doanh nghiệp thích hứa hơn quyên góp thật và những hành động ảo, thậm chí phá rối như đã từng xảy ra.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục