Mỗi khi năm hết tết về, những người con xa quê hương, trong đó có hàng trăm ngàn lao động đang làm việc ở các nước, vùng lãnh thổ lại ngậm ngùi, da diết nhớ nhà, nhớ hương vị đầu xuân mới. Vì thế, nhận được chút hương xuân từ quê nhà, ai nấy đều cảm thấy ấm lòng…
Anh Nguyễn Thành, quê ở Hà Tĩnh, làm việc ở lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) tâm sự: “Đi xa quê hương mới cảm nhận được không khí rộn ràng chuẩn bị đón tết cổ truyền có ý nghĩa sâu đậm, ấm áp như thế nào. 2 năm đón tết ở xứ người chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vượt qua nỗi buồn, sự thiếu thốn tình cảm để tích góp chút vốn đổi đời…”.
Năm nào Ban quản lý lao động ở Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc cũng tổ chức đón xuân cho lao động với đầy đủ hương vị tết cổ truyền từ Việt Nam gửi sang. Thế nhưng, chỉ có vài trăm lao động ở Đài Bắc và khu vực lân cận mới có cơ hội họp mặt vui xuân, còn lại các lao động tự tổ chức đón tết ở từng nhà máy, ký túc xá.
Anh Lê Sơn, đại diện quản lý lao động Việt Nam (Công ty cổ phần Thương mại-Đầu tư và phát triển nguồn nhân lực Tracimexco), cho biết: “Tết Tân Mão năm nay rơi vào ngày đi làm giữa tuần nên tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản chủ yếu đón tết vào ngày cuối tuần. Do Việt kiều tại Nhật cũng tổ chức đón tết cổ truyền nên thị trường cũng cung ứng đầy đủ bánh mứt, bánh chưng, giò lụa, giò thủ… như ở quê nhà”. Tuy thế nhiều lao động cũng bộc bạch nỗi buồn: “Vừa đứng máy vừa tưởng tượng không khí tất niên cúng ông bà, đón giao thừa, vui xuân đầu năm… ở quê nhà”.
Vừa đi thăm tu nghiệp sinh làm việc ở Nhật Bản trở về, ông Trần Quốc Ninh, Phó Chủ tích Hiệp hội Xuất khẩu lao động, Giám đốc Công ty Suleco, chia sẻ: “Lao động Việt Nam xa quê hương, làm việc, tu nghiệp ở nước đều có chung nỗi niềm nhớ nhà, nhớ không khí, hương vị ngày tết. Do điều kiện làm việc rải rác ở nhiều vùng, nhiều nhà máy, nghiệp đoàn nên chúng tôi chỉ có thể đi thăm đại diện người lao động và gửi một chút quà tết mang tính tượng trưng như bánh mứt, lịch tết mà thôi…”. Để vơi nỗi nhớ nhà, nhiều lao động tại tỉnh Gunma đã đặt mua bánh chưng, giò lụa, giò thủ… với giá 1.000 yên, tương đương 250.000 đồng/kg. Với họ, tụ tập bên nhau để kể chuyện tết của từng vùng miền khác nhau ra sao và nhâm nhi hương vị quê nhà cũng thú vị không kém.
Cùng chung tinh thần chăm lo tết cho lao động đang làm việc ở nước ngoài, Tổng Công ty Sovilaco cũng tổ chức đi thăm lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Ông Nguyễn Thế Hiên, Tổng Giám đốc, cho biết: “Năm nào đại diện công ty cũng đi thăm, tặng quà tết cho lao động làm việc ở các nước. Riêng thị trường Malaysia, công ty đặc biệt quan tâm đến số lao động nghèo được đưa đi từ các huyện nghèo thuộc các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai. Những phần quà xuân của công ty tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa xoa dịu nỗi nhớ nhà, động viên lao động làm việc tốt hơn”.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: “Hiện có 450.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Để số lao động này yên tâm làm việc, năm nào cục cũng nhắc nhở các doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động chăm lo tết cho người lao động. Trên tinh thần “của ít lòng nhiều”, mỗi gói quà xuân từ quê nhà cũng giúp lao động có thêm niềm vui, động viên họ làm việc hiệu quả hơn”.
Bên cạnh đó, trong chương trình giao lưu cộng đồng đón tết mừng xuân mới được tổ chức ở các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài cũng tạo thêm cơ hội cho lao động ở gần đó tham gia, tận hưởng niềm vui ngày tết. Những hoạt động này góp phần mang hương xuân, vị tết ấm áp đến gần với những lao động xa quê…
KHÁNH HÀ