Bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TPHCM:

Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu

Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu

Trong không khí thi đua chào mừng 30 giải phóng miền Nam, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, thành phố náo nức tổ chức đại hội thi đua toàn thành, nhằm phát hiện và giới thiệu những tấm gương điển hình chuẩn bị cho đại hội thi đua toàn quốc. Bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TPHCM cho biết:

Thời gian qua, TPHCM phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng trong quần chúng, từng giới, từng ngành, thu hút nhiều tầng lớp trí thức, các giới đồng bào và các thành phần dân tộc cùng đoàn kết thi đua. Danh hiệu “Anh hùng Lao động” mà thành phố có được không nằm ngoài những phong trào thi đua ấy. Đó là thành quả của toàn dân.

Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu ảnh 1

Bà Đinh Thị Bạch Mai.

TPHCM là nơi khởi xướng nhiều phong trào thi đua được Trung ương đánh giá cao, trở thành mô hình để nhiều tỉnh thành trong cả nước học tập: nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế, các quỹ đầu tư phát triển đô thị… Điều đó khẳng định người dân TP làm việc hăng say nhưng nghĩa tình thật sâu nặng…

- PV:
Trước đây, khi bình xét thi đua thường thưởng cán bộ, ít “nhìn” đến dân, lần này thì sao?

- Bà Đinh Thị Bạch Mai: Đợt thi đua này bám sát nhiệm vụ chính trị của TP và nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị để từ đó xây dựng nội dung, tiêu chuẩn, quy trình bình xét, thang điểm thi đua một cách công khai, dân chủ. Nhờ thế đã hạn chế được bệnh hình thức, bám sát thực tiễn xã hội, phát huy được sức mạnh nhân dân, được đông đảo người dân hưởng ứng. Đối tượng tuyên dương ngày càng đa dạng và có rất đông quần chúng nhân dân.

- Dư luận phản ánh công tác thi đua vẫn nặng hình thức, hoặc đánh giá hời hợt hoặc chạy theo thành tích, khiến nhiều người băn khoăn. Bà nhận xét vấn đề này như thế nào?

- Khen nhiều không phải là chạy theo thành tích, vấn đề chính là chất lượng. Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận việc bình bầu thi đua tại nhiều đơn vị còn rơi vào tình trạng làm cho có, chưa thực chất. Nguyên nhân là do lãnh đạo các đơn vị nhận thức chưa cao về công tác thi đua nên có tư tưởng “nể nang”, “vui vẻ cả làng”.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, vai trò người lãnh đạo rất quan trọng. Các đơn vị cần xây dựng quy trình thi đua rõ ràng, thiết thực, gắn với nhiệm vụ của từng người, hình thức bình bầu phải khoa học, đơn giản.

- Hiện nay có một số trường hợp không đạt tiêu chí thi đua do yếu tố khách quan (như xảy ra trọng án, cướp giật, tai nạn trên địa bàn…). Xin bà cho ý kiến và biện pháp giải quyết bất cập này?

Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu ảnh 2

Đại diện UBMTTQ TPHCM trao bằng khen cho điển hình tiên tiến năm 2000 - 2004 vào ngày 18-5-2005.

- Đúng là còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Vẫn có trường hợp nhiều nơi làm tốt các mặt nhưng có sự cố khách quan nào đó thì bị “phủi” sạch, không được bình chọn khen thưởng. Ví dụ như, người dân tích cực xây dựng khu phố văn hóa nhưng địa bàn xảy ra cháy nổ thì không được bình bầu thi đua…

Tuy nhiên, điều đó cũng nhằm nhắc nhở mọi người tự nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng; từng tổ chức, cá nhân phải lường trước, tập trung cảnh giác cao độ với tất cả các nguy cơ có thể xảy ra. Theo tôi, không chỉ phát động thi đua toàn diện mà cần mở rộng hình thức khen thưởng chuyên sâu theo từng lĩnh vực, đồng thời có nghiên cứu, xem xét với từng nguyên nhân khách quan trong quá trình bình bầu.

- Ở trên bà nói: Đợt tuyên dương lần này hướng nhiều về người dân. Thế nhưng, trong thực tế, có điển hình đã khó, nhân rộng điển hình còn khó hơn. Vậy thành phố sẽ có giải pháp nào để tránh lãng phí nhân tài và thi đua ngày càng đi vào chiều sâu?

- Bình chọn điển hình, nghĩa là ghi nhận sự phấn đấu của từng người . Tuy nhiên để nó “lan tỏa”, phải làm tốt công tác nhân rộng điển hình cho mọi người học tập kinh nghiệm. Ngay cách tuyên dương cũng thay đổi. Nếu trước đây chỉ tuyên dương trên hội trường thì nay, chúng tôi sẽ mở rộng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền đến đông đảo người dân.

Mở rộng thi đua, khen thưởng đến tất cả các đơn vị từ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, bình đẳng các thành phần kinh tế, thi đua đến từng khu phố, tổ dân phố. Chúng tôi sẽ tập trung theo dõi, phát hiện và khen thưởng kịp thời để làm tốt mục tiêu “lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu” mà Thành ủy TPHCM đã đề ra. 

HÀN NI 

Đại hội thi đua thành phố và hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (2000 - 2004) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11-6-2005. Hội nghị sẽ tuyên dương hơn 350 gương điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực lao động, sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; các phong trào từ thiện, xóa đói giảm nghèo; ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống các loại tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc; các phong trào quần chúng…

Ngoài việc xét thành tích để đề nghị khen thưởng hàng năm, trong đợt này, Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố xét đề nghị một số hình thức khen thưởng: Đơn vị tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua 5 năm để UBNDTP tặng cờ Đơn vị dẫn đầu thi đua nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố.

Hình thức khen thưởng Nhà nước: ngoài các loại huân chương đã được quy định, có một số loại huân chương mới như Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc, Huân chương Dũng cảm.

Danh hiệu vinh dự Nhà nước: có thêm danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, dành cho các cá nhân có nhiều năm trong nghề, kế tục, giữ gìn sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. 

C.H.

Tin cùng chuyên mục