Lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quan tâm nhiều hơn đến đối tượng bị thu hồi đất

Ngày 28-2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đã chủ trì cuộc họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quan tâm nhiều hơn đến đối tượng bị thu hồi đất

(SGGPO).- Ngày 28-2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đã chủ trì cuộc họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo dự thảo, giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Trong ảnh: Một khu dân cư mới trước đây là khu đất nông nghiệp ở quận 2, TPHCM. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Theo dự thảo, giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Trong ảnh: Một khu dân cư mới trước đây là khu đất nông nghiệp ở quận 2, TPHCM. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Theo Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 1 tháng 02 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. 

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đã thông tin đến báo giới về những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến lần này. Bản dự thảo gồm 14 chương và 206 điều.   

Nhấn mạnh những điểm mới trong quy định tại dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất so với Luật Đất đai 2003, ông Khuyến cho biết: “Chương IV của dự thảo đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các cấp phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc thông qua kế hoạch thu hồi đất hàng năm để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội cũng đã được làm rõ”. Dự thảo đã bổ sung quy định mới về tổ chức hoạt động tư vấn quy hoạch sử dụng đất nhằm chuyên nghiệp hóa việc lập quy hoạch, nâng cao chất lượng và tính khả thi của quy hoạch sử dụng đất.

Đặc biệt, bổ sung quy định việc xử lý đối với các dự án, công trình đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất và đã công bố phải thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng được tiếp tục sử dụng và không bị hạn chế về quyền sử dụng đất.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng có nhiều điểm mới. Đơn cử, dự thảo đã sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất theo hướng chuyển từ thẩm quyền chung của UBND sang thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; có cơ chế xử lý về giá đất đối với trường hợp thực hiện bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra và bồi thường chậm do người có đất bị thu hồi đất gây ra.

Ông Lê Thanh Khuyến nhận định: “Dự thảo Luật lần này chú trọng hơn đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương”...

Toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được công bố rộng rãi trên các cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Ý kiến đóng góp gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường cần gửi đến địa chỉ: gopyluatdatdai@gmail.com hoặc “Tổng cục Quản lý đất đai, số 10 đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội”.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục