LHP quốc tế Hà Nội 2016 - Nuôi dưỡng và phát triển thương hiệu

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) 2016 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 5 - 11 tại thủ đô Hà Nội. Đây là một sự kiện văn hóa quốc tế được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh tổ chức 2 năm một lần với mục tiêu vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao và phát huy tinh thần thân ái, hợp tác giữa các nhà làm phim trên thế giới vì sự phát triển của điện ảnh.
LHP quốc tế Hà Nội 2016 - Nuôi dưỡng và phát triển thương hiệu

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) 2016 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 5 - 11 tại thủ đô Hà Nội. Đây là một sự kiện văn hóa quốc tế được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh tổ chức 2 năm một lần với mục tiêu vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao và phát huy tinh thần thân ái, hợp tác giữa các nhà làm phim trên thế giới vì sự phát triển của điện ảnh.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, về HANIFF lần thứ 4 này.

* PHÓNG VIÊN: LHPQTHN lần này có đổi mới gì khác so với những lần tổ chức trước đây không, thưa bà?

- TS NGÔ PHƯƠNG LAN: Điểm mới căn bản giúp chúng ta mở rộng và nâng tầm LHPQTHN là mở rộng hạng mục Phim dự thi (cả phim dài và phim ngắn) đến tất cả các nền điện ảnh trên thế giới, thay vì giới hạn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai là bên cạnh các giải thưởng truyền thống từ các kỳ trước, có thêm 3 giải thưởng mới: Giải của thành phố Hà Nội cho Phim dài hay nhất, giải khán giả bình chọn cho Phim dài dự thi hay nhất và giải khán giả bình chọn cho Phim truyện Việt Nam dự LHP được yêu thích nhất.

* Tính đến thời điểm hiện tại có bao nhiêu nước tham gia và có tổng cộng bao nhiêu phim tham gia ở những hạng mục nào?

- Có 147 phim ở tất cả các loại hình, thể loại của 43 nước và vùng lãnh thổ được tuyển chọn tham gia liên hoan phim (LHP), theo các hạng mục: 12 phim dài dự thi, 30 phim ngắn dự thi, 71 phim trong chương trình “Toàn cảnh điện ảnh thế giới”, 9 phim trong chương trình “Tuyển chọn phim các nước ASEAN”, 5 phim Italy và 5 phim Ấn Độ trong chương trình “Tiêu điểm điện ảnh quốc gia”, 15 phim Việt Nam trong chương trình “Điện ảnh Việt Nam đương đại”. Như vậy, có sự gia tăng đáng kể về số lượng phim và các nền điện ảnh tham dự LHP lần này.

* Năm nay có bao nhiêu phim Việt Nam tham gia và tiêu chí để chọn những phim tham gia lần này?

- Phim Việt Nam tham dự tất cả các hạng mục: có 2 phim truyện dự thi hạng mục Phim dài là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Trúng số. 10 phim tài liệu, hoạt hình và truyện ngắn dự thi hạng mục Phim ngắn. Hạng mục “Toàn cảnh điện ảnh thế giới” có Cuộc đời của Yến. Hạng mục Phim các nước ASEAN có 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy. Hạng mục khá quan trọng là “Điện ảnh Việt Nam đương đại” gồm 15 bộ phim truyện mới sản xuất từ sau LHPQTHN lần 3 (11-2014) đến nay. Như vậy tổng cộng có 39 bộ phim Việt Nam các thể loại, tham dự LHPQTHN 2016.

Một cảnh trong phim Cuộc đời của Yến

* Điểm nhấn trong LHP lần này là gì?

- Điểm sáng làm nên chất lượng và thương hiệu LHPQTHN lần này là chất lượng các phim tham gia ở các hạng mục. Các phim dự thi đều có nét đặc sắc, hoặc đã được khẳng định tại các cuộc thi ngoài khu vực ASEAN hoặc được “phát hiện” từ những gương mặt đạo diễn mới nhưng đều được tuyển chọn rất kỹ lưỡng.

Hạng mục “Toàn cảnh điện ảnh thế giới” bao gồm nhiều bộ phim được các giải thưởng quan trọng hoặc danh giá nhất như Oscar, Cành cọ vàng… Hai chùm phim chọn lọc của điện ảnh Italy và Ấn Độ cũng rất ấn tượng. Trại sáng tác và Chợ dự án của LHP sẽ có sự đổi mới để tiếp cận nhiều hơn với thực tế điện ảnh Việt Nam, thông qua việc tuyển chọn các dự án khả thi để sản xuất phim có thể chiếu rạp hiệu quả, bên cạnh các dự án thể nghiệm nghệ thuật.

* Năm nay, có những cuộc hội thảo nào và khách mời là những ai, thưa bà?

- Sẽ có hai cuộc hội thảo: một là về chủ đề Điện ảnh ASEAN hợp tác và phát triển với sự tham gia của những nhà lãnh đạo điện ảnh các nước ASEAN; hai là tọa đàm về Kinh nghiệm thành công của điện ảnh Ấn Độ và đẩy mạnh hợp tác điện ảnh Việt Nam - Ấn Độ với khách mời là các chuyên gia điện ảnh và các nhà làm phim nổi tiếng Ấn Độ.

* Theo bà, trong khâu tổ chức, điều gì là khó khăn nhất?

- Để tổ chức thành công một LHPQT thì khó khăn rất nhiều, từ nguồn nhân lực, kinh phí, thời gian… Nhưng khó khăn nhất là xây dựng được thương hiệu LHP và “nuôi nấng”, phát triển thương hiệu đó. Điều này cần một sự cập nhật điện ảnh thế giới, luôn có sự đổi mới, đồng thời phải vừa hướng đến chất lượng của tác phẩm tuyển chọn vào LHP, lại vừa đáp ứng được nhu cầu của khán giả yêu điện ảnh.

* Cảm ơn bà và chúc LHPQTHN 2016 thành công tốt đẹp.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục