LienVietPostBank tự tin trước cơ hội và thách thức mới

Năm 2019, LienVietPostBank đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đặt ra, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi thành lập. Bước sang năm 2020, dù trong bối cảnh môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, ngân hàng vẫn đặt các mục tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng.
Tư vấn khách hàng tại LienVietPostBank
Tư vấn khách hàng tại LienVietPostBank

Bứt phá lợi nhuận năm 2019

Năm 2019, LienVietPostBank ghi nhận dấu ấn mạnh mẽ với các chỉ tiêu kinh doanh đều vượt so với kế hoạch và tăng mạnh so với năm 2018. Cụ thể, tổng tài sản đạt 202.058 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018; huy động thị trường 1 đạt 166.162 tỷ đồng, tăng 20%; tín dụng thị trường 1 đạt 140.883 tỷ đồng, tăng 16%. 

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế đạt mức cao nhất trong 11 năm hoạt động với 2.039 tỷ đồng, tăng tới 68% so với năm 2018, vượt 7% kế hoạch đề ra. Trong đó, kết quả thu hoạt động dịch vụ cao gấp hơn 2,5 lần so với năm 2018, đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (bancassurance) với mức tăng trưởng đột biến 217%.

Đây là kết quả của việc LienVietPostBank đã tích cực triển khai đa dạng các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thúc đẩy bán lẻ; đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại; phát triển mạng lưới, mở rộng thị phần; giảm chi phí hoạt động…

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của LienVietPostBank

Tạo nền tảng để tăng trưởng bền vững

Trong năm 2020, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo dự báo trung và dài hạn của các tổ chức lớn trên thế giới như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, kinh tế Việt Nam từ năm 2021 có triển vọng tăng trưởng mạnh trở lại, với các lĩnh vực được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc là xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Để nắm bắt cơ hội khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh và thu hút được dòng vốn của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Hội đồng quản trị LienVietPostBank dự kiến sẽ tìm kiếm, lựa chọn một số nhà đầu tư nước ngoài có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh cùng cam kết gắn bó lâu dài với ngân hàng để thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ. Phương án này, theo lãnh đạo LienVietPostBank, là một phần trong chiến lược dài hạn của ngân hàng, qua đó nâng cao năng lực tài chính, vị thế cạnh tranh cũng như xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức quốc tế uy tín. Theo dự kiến, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ được thực hiện sau khi ngân hàng phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 và sau khi được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Vốn điều lệ dự kiến tại thời điểm phát hành là hơn 10.700 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 59,5 triệu cổ phiếu và đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa là 9,99%. Mức giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ sau khi phát hành là hơn 11.300 tỷ đồng.

Tư vấn khách hàng tại LienVietPostBank

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản là 210.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó, tín dụng thị trường 1 dự kiến đạt 156.000 tỷ đồng, tăng gần 11%; huy động thị trường 1 đạt 168.000 tỷ đồng. Về lợi nhuận, ngay từ đầu năm LienVietPostBank đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 2.200 tỷ đồng, tuy nhiên lường trước các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân hàng đã sớm triển khai các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn nợ... Do đó, ngân hàng thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt tối thiểu 1.700 tỷ đồng và tiếp tục đặt kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 8% trong bối cảnh một số ngân hàng gặp khó trong việc chi trả cổ tức hàng năm. Đồng thời, tùy thuộc vào mức độ hồi phục kinh tế của Việt Nam và thế giới sau dịch Covid-19, ngân hàng quyết tâm đạt kết quả cao hơn so với các chỉ tiêu trình đại hội đồng cổ đông. 

Theo thông tin từ LienVietPostBank, đến hết tháng 5, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt gần 830 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch lợi nhuận đang trình đại hội đồng cổ đông. Ước tính, đến hết tháng 6, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. “LienVietPostBank sẽ hoàn thành, vượt kế hoạch đã đề ra về lợi nhuận” - ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực LienVietPostBank tự tin.

Ngoài ra, LienVietPostBank có kế hoạch trích lập dự phòng và mua lại toàn bộ trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong quý 2. Việc chủ động tất toán nợ xấu VAMC cho thấy quyết tâm LienVietPostBank trong việc cải thiện chất lượng tài sản, tạo đà tăng trưởng, bứt phá lợi nhuận trong các năm tiếp theo của ngân hàng. Động thái này cũng thể hiện những tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của ngân hàng, dù phải trích thêm dự phòng cho trái phiếu VAMC nhưng vẫn đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Ngày 25-6, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông, LienVietPostBank đã thông qua phương án về việc chuyển giao cổ phiếu LPB từ UPCoM sang niêm yết tại HOSE. Thời gian hoàn thành là trước 31-12. Hiện ngân hàng đã hoàn thiện phương án, lựa chọn được đơn vị tư vấn và sẽ triển khai theo tiến độ chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục