Lo lắng về tai nạn giao thông thảm khốc

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12.500 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 4.251 người chết và 12.232 người khác bị thương. Trước tình trạng liên tục xảy ra những vụ TNGT thảm khốc, nhiều bạn đọc đã rất lo lắng, lên tiếng về việc cần quyết liệt kéo giảm TNGT.
Lo lắng về tai nạn giao thông thảm khốc

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12.500 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 4.251 người chết và 12.232 người khác bị thương. Trước tình trạng liên tục xảy ra những vụ TNGT thảm khốc, nhiều bạn đọc đã rất lo lắng, lên tiếng về việc cần quyết liệt kéo giảm TNGT.

  • Nhận thức và hành động đúng
CSGT kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: THANH HẢI

CSGT kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: THANH HẢI

Gần đây, có nhiều vụ TNGT thương tâm do xe đò tốc hành, xe ben, xe kéo container khiến nhiều người chết oan uổng. Đối với ô tô các loại, ngoài các nguyên nhân về kỹ thuật còn có cả nguyên nhân tài xế bị khai thác sức lực quá mức, dẫn đến ngủ gật. Cũng có cả nguyên nhân tài xế sử dụng rượu bia, ma túy, thức khuya đánh bài hay phóng xe liều mạng do vận chuyển hàng lậu. Thế nhưng, luật pháp chưa có chế tài nghiêm khắc, ít truy cứu căn nguyên từng vụ việc để xử lý thích đáng nhằm ngăn chặn hữu hiệu. Hiện nay, mật độ xe các loại cùng tham gia lưu thông trên đường ngày càng đông nhưng nhiều người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn, phóng xe tốc độ quá cao, nhất là người trẻ tuổi háo thắng. Nhiều người uống rượu bia, chất kích thích vẫn điều khiển xe, bất chấp tất cả, kể cả sinh mạng chính mình. TNGT có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi và do nhiều nguyên nhân không thể biết trước nên người tham gia giao thông cần nhận thức và hành động đúng để lái xe an toàn.

NGUYỄN VĂN THƯỚC (Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau)

  • Cải thiện chất lượng cầu đường

Phân tích các vụ TNGT, có thể thấy chất lượng cầu đường tệ hại là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNGT. Hiện nay còn nhiều tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng mà vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa. Minh chứng thiết thực nhất là quốc lộ 14 (đi qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước), quốc lộ 1A (qua các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận) đã xuống cấp quá rõ, mặt đường lồi lõm nhiều ổ voi, ổ gà. Rất mong Bộ GTVT khắc phục nhanh chóng các con đường trên nhằm đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông. Bộ GTVT phải có quy định chuẩn trên toàn quốc về vận tốc và bảng chỉ dẫn giao thông cho người điều khiển xe không bị bỡ ngỡ. Các ngã ba hay ngã tư ở đâu cũng phải có các vạch phân đường cho người đi bộ, dù thành thị hay nông thôn. Như vậy mới giảm được TNGT.

PHAN CHÚC (Thủ Đức, TPHCM)

  • Đảm bảo tiêu chí an toàn cho hành khách

Để kiểm tra tốc độ xe, cơ quan điều tra có thể giải mã hộp đen. Với thiết bị định vị vệ tinh, trung tâm điều phối của các hãng xe có thể biết xe của hãng đang ở đâu, chạy tốc độ nào để cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế có khi chính hãng xe lại xem nhẹ tiêu chí an toàn. Cách làm của nhiều hãng xe hiện nay là khoán trắng chỉ tiêu cho tài xế. Trong một đơn vị thời gian, lái xe được khoán phải nộp cho công ty một hạn mức doanh thu nhất định và được hưởng khoản tiền nếu vượt hạn mức. Chính do khoán trắng như vậy, để đạt doanh thu và vượt hạn mức, lái xe đã chạy bừa, chạy ẩu - một trong những nguyên nhân làm tăng TNGT. Để chấn chỉnh hoạt động của các hãng xe, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng liên quan cần tổ chức thanh tra các hãng xe thường xuyên và nghiêm ngặt hơn để đảm bảo tiêu chí an toàn cho hành khách. Bằng cách thanh tra hộp đen, cơ quan chức năng có thể kiểm soát các hãng có xe chạy vượt tốc độ và đưa ra mức phạt thích đáng.

PHAN VĂN ANH (Bình Thạnh, TPHCM)

  • Hướng dẫn kỹ năng ứng phó tình huống khẩn cấp

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ TNGT kinh hoàng khiến ai cũng xót xa, bàng hoàng và hết sức lo ngại về tình hình ATGT ở nước ta. Có nhiều nguyên nhân: sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông; đường sá xuống cấp; việc phân làn, bố trí giao thông không hài hòa; việc xử lý pháp luật đối với người gây ra TNGT chưa thực sự nghiêm minh, chưa tương xứng với hành vi, mức độ hậu quả gây ra nên không có tác dụng răn đe trong thực tế.

Ngoài ra, nhiều vụ TNGT có nguyên nhân từ việc đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe đối với tài xế lái ô tô, xe khách, xe tải hạng nặng còn quá dễ dãi và bất cập. Trong việc đào tạo, sát hạch còn thiếu chú ý việc đào tạo cho người tài xế có kỹ năng ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp trong khi cầm lái. Nhiều tài xế các loại xe tải hạng nặng, xe đầu kéo rơ-moóc trong độ tuổi còn rất trẻ và thiếu kinh nghiệm. Các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông phải được kiểm tra nhiều hơn, buộc phải đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực phục vụ công tác đào tạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát các kỳ sát hạch, không để xảy ra tiêu cực, đặc biệt khâu sát hạch lái xe trên đường.

MINH VŨ (Tân Bình, TPHCM)

  • Kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm

Rất cần có các giải pháp đồng bộ đảm bảo trật tự ATGT để người dân được yên tâm mỗi khi ra đường. Cụ thể là nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về ATGT; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện giao thông; đảm bảo chất lượng kiểm định phương tiện giao thông; xử lý các điểm đen về TNGT.

Lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh. Phải kiểm soát ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm của cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông; tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện giao thông.

DIỄM ÚT (CLB Hưu trí quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục