Lo ngại phát sinh điểm ngập mới

Chưa hết khốn đốn vì phải sống chung với ngập sau những đợt mưa lớn tuần qua, người dân hiện đang lo ngại TPHCM sẽ tiếp tục bị ngập sâu vì từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp. Để giảm phát sinh điểm ngập mới, hạn chế ngập sâu, TPHCM có những giải pháp cấp bách nào?
Lo ngại phát sinh điểm ngập mới

Chưa hết khốn đốn vì phải sống chung với ngập sau những đợt mưa lớn tuần qua, người dân hiện đang lo ngại TPHCM sẽ tiếp tục bị ngập sâu vì từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp. Để giảm phát sinh điểm ngập mới, hạn chế ngập sâu, TPHCM có những giải pháp cấp bách nào?

  • Nhiều điểm ngập mới

Đến 20 giờ 2-10, tuyến đường An Dương Vương, đoạn qua quận Bình Tân và quận 8 vẫn còn ngập sâu, dù mưa lớn đã ngưng từ chiều 1-10. Chỉ một đoạn ngắn từ nút giao đường Võ Văn Kiệt đến Bến Phú Định, đường An Dương Vương có đến 6 điểm ngập, mỗi điểm ngập kéo dài hơn 40m, sâu 0,3 - 0,5m. Không ít người dân điều khiển xe gắn máy trên đoạn đường này bị chết máy, dẫn bộ. Cơn mưa lớn xảy ra trên diện rộng suốt đêm 2-10 và kéo dài đến sáng 3-10 kết hợp với đỉnh triều cường đầu tháng 10 dâng cao đã làm nhiều tuyến đường, nhà dân ở TPHCM lại bị ngập chìm trong nước. Hiệu ứng nước ngập kéo dài tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ dẫn vào TP như: khu vực ngã tư Bình Triệu, Kha Vạn Cân, Nguyễn Xí, Bà Hom.

Sau những cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường TPHCM bị ngập kéo dài.

Sau những cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường TPHCM bị ngập kéo dài.

Tại khu vực ngã tư Bình Triệu, Nguyễn Xí, dù lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt từ rất sớm điều tiết giao thông nhưng do đường bị ngập sâu và lượng phương tiện người dân đi làm đông nên tình trạng giao thông hết sức hỗn loạn. Trên xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức và quận 9 (TPHCM) theo hai hướng: từ ngã tư Thủ Đức đến ngã tư MK và cầu Rạch Chiếc đến ngã tư MK bị tê liệt hoàn toàn. Khoảng 7 giờ, lưu lượng phương tiện đổ dồn về càng lớn đã gây áp lực giao thông trên xa lộ Hà Nội, hàng ngàn phương tiện di chuyển rất khó khăn. Rất nhiều hành khách, sinh viên, học sinh phải đứng hàng giờ chờ xe buýt nhưng không đón được xe nên bị trễ giờ làm, đến trường muộn, thậm chí một số bạn học sinh, sinh viên phải nghỉ học.

Vì ngập, những ngày gần đây, giao thông tại các các tuyến đường như: Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Hòa Bình, Âu Cơ (quận Tân Phú), Đồng Đen, Bàu Cát (quận Tân Bình), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), quốc lộ 50, đường Phú Định (quận 8), Lương Định Của (quận 2)... liên tục bị ùn tắc, hạ tầng giao thông xuống cấp, cuộc sống sinh hoạt của người dân càng khó khăn. Điều lo ngại hơn, từ đầu năm 2012 đến nay, TP có 31 điểm ngập cũ chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm, thì hiện nay đã phát sinh thêm 12 điểm ngập mới. Trong đó đáng ngại nhất là đường Võ Văn Kiệt - đoạn qua phường 7, quận 6 và phường An Lạc, quận Bình Tân đã bị ngập, có đoạn ngập sâu đến 0,4m.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, để phát sinh các điểm ngập mới, một phần do khí hậu biến đổi, khiến đỉnh triều ngày càng cao, mưa lớn. Phần khác do tiến độ thi công các dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống cống thoát nước quá “rùa bò”, đơn vị thi công lại làm cẩu thả, chặn dòng thi công không đảm bảo, bơm bùn đất vào hệ thống thoát nước hiện hữu, gây nghẽn dòng. Cùng với đó, công tác thông dòng những khi mưa lớn, triều lên của lực lượng cơ sở còn chậm, hệ thống cống thoát nước nhánh trong hẻm bị xuống cấp nhưng chưa được các quận huyện quan tâm khắc phục, cải tạo, khơi thông…

  • Nhiều giải pháp cấp bách

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng xử lý thoát nước - Trung tâm Chống ngập nước TPHCM, cho biết để ứng phó trước tình hình ngập nước có nhiều diễn biến phức tạp, thời gian qua, trung tâm đã tập trung hoàn thành trước mùa mưa việc nạo vét các tuyến cống, cửa xả, kênh rạch bị bồi lắng. Đặc biệt, đưa vào vận hành 615 van ngăn triều, 28 trạm bơm (gồm 42 máy bơm, công suất từ 1.000 - 64.000 m3/giờ), ứng cứu tại các vị trí ngập nước. Trong những đợt mưa vừa qua, trung tâm đã phối hợp cùng Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị huy động nhân lực túc trực tại các vị trí thường xuyên ngập nước để vớt rác trôi vào miệng thu nước của các hầm ga; kịp thời khai thông các vị trí cống bị nghẽn; vớt rác tại các cửa xả để đảm bảo khả năng thoát nước của hệ thống hiện hữu. Trung tâm Chống ngập nước TPHCM sẽ tiếp tục phân khai nguồn kinh phí để thực hiện các dự án trọng tâm, trọng điểm như: Nạo vét cống thoát nước, duy tu nạo vét kênh rạch, cửa xả, sửa chữa hầm ga, thay máng cống, lưỡi của hầm ga…

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ đề nghị UBND các quận huyện xử lý nghiêm 41 trường hợp lấn chiếm lòng, hành lang kênh, rạch. Đồng thời, kiến nghị thanh tra các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các nhà thầu thi công các dự án chống ngập cố tình chây ì tiến độ, thi công sai quy định, ảnh hưởng đến công tác chống ngập. Về tình trạng ngập lụt trên đường Võ Văn Kiệt, hiện Sở GTVT TP, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị và UBND quận 8 đang triển khai các công tác khắc phục.

T.VŨ - A.TUẤN - Đ.LÝ

Trong năm 2012, trên toàn TPHCM có 30 trường hợp nhà thầu thi công các dự án làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, tập trung ở các dự án lưu vực Nam và Bắc Nhiêu Lộc, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, lưu vực Nam Tham Lương, lưu vực Đông và Nam TP. Chủ yếu tập trung ở các vi phạm: Thi công làm sụp vách và đỉnh cống vòm, thi công không kết nối cống nhánh D400, đấu nối cống băng bị lệch, không đập vách lòng cống hộp, làm bít cống hiện hữu, bơm đất vào lòng cống…

Tin cùng chuyên mục