Tổng kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công thương cho biết, 59% người tiêu dùng trả lời phiếu thăm dò rằng, họ đang có thói quen mua hàng Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì so với trước kia, có đến 77% số người được hỏi đã cho biết họ thích dùng hàng ngoại hơn hàng nội.
Trước hết, mỗi người tiêu dùng cần ý thức được mua một sản phẩm nội bất kỳ là đóng góp cần thiết cho mục đích chấn hưng kinh tế. Tại sao lại cứ sính dùng đồ ngoại khi hàng trong nước có chất lượng và giá cả tương đương? Câu hỏi này, nếu được các bà nội trợ của mọi gia đình hiểu đúng và đủ, lợi ích sẽ rộng lớn vô cùng.
Ví dụ, nhà báo Thép Mới có viết rằng “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa”. Thế nhưng, thật buồn và thật tủi khi tăm tre nước ngoài có mặt ở khắp nơi. Điều tiếp theo, nhà sản xuất và người tiêu dùng phải cùng đi trên một con đường: Một bên ra sức nâng cao chất lượng, hạ giá thành; một bên nỗ lực ủng hộ - kể cả chấp nhận việc giá thành có thể đắt hơn hay chất lượng kém hoàn hảo hơn. Nếu cuộc vận động được thực hiện theo đúng “lộ trình” này, chắc chắn, có rất nhiều điều tốt đẹp sẽ đến: Nhập siêu sẽ giảm, nhiều người Việt Nam có công ăn việc làm ổn định, nền kinh tế vững vàng hơn, lòng yêu nước - lòng tự hào dân tộc sẽ được thẩm thấu một cách tự nhiên hơn; cái tốt sẽ ngày càng thăng hoa và phát triển…
Một “lý lẽ” nữa là dường như lâu nay Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm chỉ hô hào chung chung mà quên mất rằng những bà nội trợ mới là lực lượng đáng kể nhất, thiết yếu nhất trong việc mua hàng nội. Nếu vận động đến từng gia đình sao cho ý thức tiêu dùng đồng nghĩa với trách nhiệm, nghĩa vụ với quê hương, Tổ quốc, đương nhiên, hiệu quả sẽ còn tích cực hơn.
Nếu các bà nội trợ của cả nước đều góp sức, đồng lòng, cùng vận động mua hàng nội thường xuyên hơn, chắc chắn, đó là món quà tuyệt vời nhất nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày một vươn xa hơn.
NGUYỄN HOÀNG DUY