Loay hoay chuyển đổi môn học cho học sinh lớp 10

Học kỳ 1 năm học 2022-2023 sắp kết thúc cũng là thời điểm các trường THPT đối mặt với bài toán giải quyết nhu cầu chuyển đổi môn học của học sinh lớp 10. Năm nay là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 triển khai ở bậc THPT, trong đó việc chuyển đổi môn học được giao quyền cho hiệu trưởng các đơn vị.

Nhiều băn khoăn

Sáng 8-12, tại hội nghị giao ban giáo dục trung học năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, hiệu trưởng các trường THPT đề xuất Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện chuyển đổi môn học đối với học sinh lớp 10.

Tuy nhiên, theo ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, tháng 4-2022, trong công văn hướng dẫn triển khai CT GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã nêu rõ: “Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố”. Do đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ không ban hành văn bản hướng dẫn lại nội dung đã được quy định trong hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền cao hơn. 

Trên thực tế, thầy Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân) bày tỏ, học sinh sau khi tốt nghiệp bậc THCS chưa học chương trình THPT nên việc yêu cầu các em lựa chọn môn học ở lớp 10 rất khó khăn. Nhiều học sinh chọn môn học còn cảm tính, dẫn đến tình trạng có lớp sĩ số học sinh/lớp khá cao, có lớp ít học sinh. Thậm chí, ngay cả giáo viên phụ trách công tác tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh cũng băn khoăn do chưa biết kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sẽ thay đổi thế nào trong 3 năm tới.

“Hiệu trưởng được giao quyền thực hiện chuyển đổi môn học cho học sinh nhưng khó cho chúng tôi lắm. Bởi một số yêu cầu đi kèm (như quy định về chế độ, chính sách cho giáo viên khi dạy bổ sung kiến thức cho học sinh trong trường hợp các em có nhu cầu chuyển đổi môn học) chưa có, việc bồi dưỡng kiến thức theo hình thức nào không được hướng dẫn cụ thể khiến trường lúng túng trong triển khai thực hiện”, thầy Trần Phước Đức tâm tư.

Đại diện Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, Bộ GD-ĐT không quy định học sinh chỉ được chuyển đổi môn học khi kết thúc học kỳ 1 hoặc năm học. Song, nếu việc chuyển đổi môn học diễn ra khi chưa hết học kỳ 1 sẽ gây khó khăn cho cả nhà trường lẫn học sinh do phải bổ sung kết quả đánh giá thường xuyên và định kỳ ở các môn các em chưa học. Trong khi đó, nếu chuyển đổi môn học sau khi kết thúc học kỳ 1 hoặc kết thúc năm học, học sinh có nhiệm vụ tự bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng yêu cầu học tập trong học kỳ hoặc năm học tiếp theo dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

“Điểm mới của CT GDPT 2018 là thiết kế nội dung học thành các chủ đề độc lập, tạo thuận lợi cho giáo viên bổ sung kiến thức cho học sinh khi chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, việc bố trí giáo viên bổ sung kiến thức cho học sinh cần trên tinh thần công bằng, đồng đều giữa các nhóm đối tượng học sinh”, ông Lê Duy Tân lưu ý.

Loay hoay chuyển đổi môn học cho học sinh lớp 10 ảnh 1 Học sinh lớp 10, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) tham gia tìm hiểu ngành đào tạo ở các trường đại học.

Đánh giá hiệu quả giảm tải

 Trước đó, tại các buổi làm việc giữa đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng, cần đánh giá lại hiệu quả giảm tải khi triển khai CT GDPT 2018.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) Trần Thị Thơm dẫn chứng, hiện nay giáo viên khối 10 khá vất vả trong việc tiếp cận phương pháp dạy học mới, song song với việc tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.

Để giảm bớt áp lực cho giáo viên, theo cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cần hiểu đúng tinh thần của CT GDPT 2018, trong đó dạy học không nên phụ thuộc vào sách giáo khoa. Những trường ở khu vực vùng ven có điều kiện dạy học khó khăn nên không thể cào bằng nội dung dạy học với trường ở khu vực có điều kiện dạy học thuận lợi, ở vị trí trung tâm thành phố. Thêm vào đó, mỗi cơ sở giáo dục có đặc thù riêng về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên. Do đó, trên cơ sở xác định mục tiêu cần đạt của chương trình, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.

“Nếu thấy nội dung nào nặng, tổ chuyên môn có thể phân bổ nội dung dạy học phù hợp, khuyến khích giáo viên chủ động trong triển khai bài học”, cô Bùi Minh Tâm bày tỏ.

Ở góc độ các trường đại học, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, nêu ý kiến, để đánh giá kết quả thực hiện yêu cầu giảm tải của CT GDPT 2018, cần có đánh giá toàn diện khối lượng công việc của giáo viên trước và sau khi triển khai chương trình mới. Riêng đối với học sinh, đánh giá chương trình nặng hay không cần được xem xét ở các khu vực cụ thể do phụ thuộc năng lực tiếp nhận của từng đối tượng học sinh. Ngoài ra, nhiều cán bộ quản lý cũng cho rằng, về lâu dài, cần xem xét mục tiêu giảm tỷ lệ học sinh học thêm khi triển khai CT GDPT 2018, hướng đến việc chuyển đổi hoàn toàn phương pháp giảng dạy đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Chương trình GDPT 2018 quy định 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc ở lớp 10 gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, học sinh được yêu cầu chọn 4/9 môn lựa chọn gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục