Nhà ở là nhu cầu thiết yếu của con người và cũng là động lực phát triển xã hội. Thực trạng thị trường địa ốc đóng băng hiện nay là hậu quả của quan niệm lệch lạc về địa ốc, chỉ xem đây là thứ hàng hóa để đầu cơ kiếm lợi nhuận cao. Từ cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan đến chính quyền địa phương đều có thể nhảy vào làm dự án địa ốc. Khắp nơi đều rộ lên việc giải tỏa ruộng vườn, nhà cửa để làm dự án địa ốc.
Một doanh nghiệp mới thành lập, không có kinh nghiệm kinh doanh địa ốc nhưng có chút quan hệ, có ít vốn là có thể làm chủ dự án lớn. Chủ doanh nghiệp chỉ cần xem khu đất nào thưa dân cư, nhiều đất ruộng là có thể xin giấy chấp thuận địa điểm và tiến hành giải tỏa đền bù để thực hiện dự án. Ngân hàng hăm hở cho vay quá trớn đối với lĩnh vực địa ốc. Chủ đầu tư vay để giải tỏa đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng và cao ốc. Những người kinh doanh, người dân cũng vay để mua nhà rồi mua đi bán lại kiếm lời.
Có một thực tế ở nhiều dự án, từ thủ tục đầu tiên xin thuận địa điểm, làm quy hoạch, vay tiền, hay xin dự án đều phải kèm theo phí bôi trơn và tất cả khoản phí này cộng vào giá thành đã làm giá nhà đất tăng cao. Bong bóng bất động sản ngày một phình to. Mặc dù nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng giá bán cao hơn giá thật, dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng.
Thời gian qua đã có nhiều ý kiến của các bộ, ngành liên quan bàn cách phá băng thị trường địa ốc, với nhiều biện pháp táo bạo được đưa ra, quyết liệt nhất là bơm 30.000 tỷ đồng cho thị trường địa ốc. Và hiện cũng đang bàn cãi nên bơm cho doanh nghiệp bất động sản để hoàn thành dự án hay hỗ trợ lãi suất với mức 6% cho người mua nhà. Bộ Xây dựng có biện pháp chia nhỏ nhà cao cấp, chuyển nhà ở kinh doanh thành nhà ở xã hội.
Thực tế cho thấy các biện pháp đưa ra chỉ loay hoay xử lý phần ngọn mà không chú ý giải quyết cái gốc của sự việc. Tình trạng đóng băng của thị trường địa ốc không phải do nhà ở dư thừa hay do giá nhà đất cao vượt quá tầm người dân mà do giá bán sản phẩm cao hơn giá trị thật. Nhà đất cũng tuân theo quy luật thị trường, đó là sản phẩm muốn có giao dịch mua bán thì phải được xác định đúng giá trị thật của nó.
Như vậy, biện pháp hữu hiệu nhất để làm rã băng thị trường địa ốc là chủ đầu tư cần đưa giá nhà đất xuống giá thật của sản phẩm, chứ không thể để giá “bong bóng” như hiện nay. Những biện pháp chia nhỏ căn hộ, chuyển căn hộ kinh doanh cao cấp thành nhà xã hội hay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay tiền vẫn chỉ loay hoay phần ngọn, vì không kéo giá nhà đất về đúng giá trị của nó.
Thực tế hiện hay, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, trong khi thị trường địa ốc đóng băng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Hàng triệu gia đình vẫn ở trong những ngôi nhà tạm bợ, nhà cấp 4, chưa có căn nhà, căn hộ khang trang để ở. Nhiều gia đình khá giả vẫn có nhu cầu mua căn hộ khang trang, hiện đại ở các khu đô thị cao cấp. Những nhà quản lý, hoạch định chính sách nên nhìn thẳng vào sự thật, kéo giá nhà đất xuống đúng giá trị thật của nó, phải xử lý phần gốc thay cho phần ngọn như hiện nay.
TRẦN HIỀN
(Bình Thạnh, TPHCM)