Lợi nhuận và trách nhiệm

Đầu xuân, hòa cùng những hoạt động văn hóa nghệ thuật rộn rã của đất nước, TPHCM, với sự năng động vốn có, đã nổi trội bởi sự náo nhiệt, sôi động và xôm tụ ở hầu hết rạp hát, rạp chiếu phim. Các điểm diễn sân khấu, hãng phim tư nhân… đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường, nhắm trúng thời điểm làm ăn thuận lợi nhất trong năm để tăng tốc đầu tư, tung ra nhiều sản phẩm nghệ thuật, vượt qua cửa ải khắc nghiệt của cạnh tranh để đạt doanh thu đáng kể.

Nhiều sân khấu, rạp chiếu phim “cháy vé” dù đã tăng thêm 2 - 3 suất diễn, suất chiếu trong ngày. Một vài phim tết dù dư luận có nhiều ý kiến khen chê song đã đủ sức “sánh vai” với phim ngoại trong việc hút người xem đến rạp.

Tết là cơ hội vàng để quảng bá tên tuổi, thương hiệu, thông qua những sản phẩm phong phú, chất lượng, để khẳng định đẳng cấp và gửi đến công chúng những thông điệp sâu sắc, giàu giá trị nhân văn... Nhưng cơ hội này có vẻ đã được nắm bắt, khai thác chủ yếu trên phương diện doanh thu. Cái lợi trước mắt nhiều lúc đã được “ưu tiên”, ăn xổi, dẫn đến sự ra đời của loạt thương phẩm nhuốm màu giải trí thuần túy. Ngày xuân, sân khấu và rạp hát không khí náo nức, tươi trẻ và bội thu là thế, song xem một số vở kịch, bộ phim thuộc hàng ăn khách vẫn cảm thấy hụt hẫng.

Chút vui cười hời hợt, dễ dãi, chút gợi cảm, chút gay cấn ly kỳ… với những kịch bản nghèo chất văn học, nhân vật giả tạo, không hồn vía, trong những câu chuyện đầy tình tiết gượng ép, phi lý, đối thoại sượng sùng, ngu ngơ và không khó nhận thấy “dấu ấn” của sự sao chép, lai tạo... Tuy nhiên cũng vẫn mừng với mùa bội thu khán giả, sân khấu - màn bạc tỏ ra phát huy được tiềm năng, đem lại niềm vui xuân cho người dân cũng như sự phấn chấn cho người làm nghệ thuật.
 
Bên cạnh sự xôm tụ quanh các thương phẩm nghệ thuật tết với màu sắc giải trí, là sự vắng bóng đáng buồn của những tác phẩm từng được giới chuyên môn đánh giá cao!

Do đâu nhiều tác phẩm được xem là có chất lượng không đến được với công chúng? Do áp lực thị trường, sức ép của doanh thu dẫn đến giải pháp tình thế là sự hạ chuẩn và lệch chuẩn trong một số tác phẩm? Hay do ở một thái cực khác, người làm nghề chỉ mải miết với sân chơi nghệ thuật, lo chinh phục đỉnh cao, những tác phẩm mang “tầm thời đại” mà quên rằng nếu sản phẩm không đến được với công chúng cũng có nghĩa là “trắng tay”. Bởi tác phẩm có xuất sắc mà bị khán giả lạnh nhạt cũng chẳng thể đem được những thông điệp tốt lành tác động đến đời sống nhân sinh. Mặt khác, lâu nay, định kiến đối lập giữa sự ăn khách với những giá trị nghệ thuật đã như một rào cản khiến nhiều người hoạt động nghệ thuật chẳng mấy quan tâm đến thị hiếu, “khẩu vị” của khán giả đã đổi khác, đôi khi dễ dãi và khá giản đơn, khiến họ khó đến với công chúng thời thị trường.

Thực ra trong tác phẩm, giá trị nghệ thuật và tính hấp dẫn đan xen, gắn kết chặt chẽ, làm nên sức sống và tác động xã hội cho tác phẩm. Người làm nghệ thuật làm sao đưa được yếu tố ăn khách vào các tác phẩm có chất lượng; và mặt khác, là nâng cao được tính nghệ thuật cho tác phẩm giải trí, ăn khách.

Công chúng đến với nghệ thuật thông thường là để thư giãn, giải trí nhưng họ đã cảm nhận, rung động, để rồi tự lúc nào, nghệ thuật lại như phù sa vun đắp cho tâm hồn những hiểu biết mới về nhân tình thế thái, về vẻ đẹp của nghệ thuật, của cuộc sống. Nghệ thuật là kiểu giải trí trí tuệ, nó không phải sự mua vui thuần túy và cũng chẳng phải những gì quá lớn lao, xa vời.
 
Nhìn vào thị trường văn hóa nghệ thuật ngày xuân rộn rã nhưng chất lượng chưa cao, một lần nữa cho thấy đã cần thiết lắm một sự hài hòa giữa yếu tố ăn khách và chuẩn mực nghệ thuật. Tuyệt đối hóa nhu cầu giải trí, chạy theo doanh thu, ắt dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa, thậm chí tầm thường hóa nghệ thuật. Nhưng nếu xem nhẹ tính giải trí, yếu tố hấp dẫn, vô tình nghệ thuật đã tự cô lập mình.

Người nghệ sĩ cần hướng đến những đề tài giàu hiện thực cuộc sống, sâu sắc về tư tưởng nhưng không thể thiếu vắng cách thể hiện độc đáo, cuốn hút. Như thế, mỗi sáng tạo của người nghệ sĩ, cùng những nỗi niềm riêng tư muốn gửi gắm, còn có niềm khát khao không thể thiếu là góp phần nâng cao, làm đẹp cho nền văn hóa nghệ thuật dân tộc, cho tâm hồn con người. Đó cũng là trách nhiệm cao cả của người làm nghệ thuật.
 

TRẦN BẠCH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục